Bài viết của cố võ sư Lục Viễn Khai
Hôm nay, nhân xem lại một số tài liệu cũ, tôi đọc lại một bài viết của cố võ sư Lục Viển Khải, một sư thúc của tôi. Sư thúc Lục Viễn Khải viết bài này ngày 04/10/1973, sau sự ra đi của Lý Tiểu Long. Tôi xin trân trọng trích một số đoạn trong bài viết của sư thúc Lục Viễn Khải để các bạn yêu quý môn Vĩnh Xuân có thể tham khảo thêm:
TINH TÚY CỦA QUYỀN THUẬT “VĨNH XUÂN PHẬT SƠN”
…….
Ngoài việc nhỏ lệ đồng tình thương người đã khuất, tiện bút viết bàn về quyền nghệ, kiếm pháp và Lục điểm bán côn của phái “Vĩnh Xuân” để các bạn ở Hương Cảng cách xa Việt Nam hiểu biết thâm về quyền thuật của phái Vĩnh Xuân mà ít người biết tới, có biết đâu ở Việt Nam nhiều nhà chính khách (Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Bá Khả, Giáo sư Đại học Kiến trúc Đỗ Bá Vinh – nguời chép) cũng là những môn đệ xuất sắc của phái này.
Ở miền Bắc Việt nam, phái này lưu truyền từ lâu, còn tại miền Nam, mới có độ hơn 10 năm do Tông sư Nguyến Tế Công di tản đem vào, nhưng ít người được chân truyền. Tác giả học được là do Tông sư truyền lại trong thời gian di tản vào Nam. Nhưng Tông sư vào được ít năm thì mất, hưởng thọ tám mươi tư tuổi, cho nên thời gian học còn ngắn, kỹ thuật tiếp thu được còn thô thiển. Nhưng cũng may Ân sư trong lúc sống giảng dạy cho không tiếc sức, cho nên cũng tiếp thu được không ít những điều hay lạ.
Tác giả trong năm 1966 đã từng giới thiệu tóm tắt trong 5 kỳ báo tiếng Hoa “Viễn Đông Nhật báo” về quyền thuật phái Vĩnh Xuân, nhưng thời kỳ đó chưa được nhiều người chú ý. Nhân dịp cái chất của Lý Tiểu Long, một môn đệ của phái Vĩnh Xuân làm cho tác giả càng cảm hứng lại đem những điều hiểu biết của mình bổ sung vào những điểm đã viết trước đây. Quyền thuật của phái Vĩnh Xuân nguồn gốc của nó thuộc phái “Quyền thuật Nội gia Thiếu Lâm”. Nhưng trong sách nổi tiếng trong nước chỉ biết nói tới 3 phái Nội gia của môn phái Vũ Đương là Thái cực, Bát quát và Hình ý, không biết rằng phái Vĩnh Xuân cũng là “Quyền thuật Nội gia” của môn phái Thiếu Lâm.
Phái này lấy “Tam tinh:, “Ngũ hình” làm cương lĩnh, lấy “Thất đáo”. “Bát môn” làm phương pháp. Tay nắm thành hình chữ nhật, đấm thì đấm thẳng. các loại quyền phổ thông khác thì nắm tay hình quả trứng, khi đấm ra thì đấm vòng. Hai bên khác ngược hẳn nhau, ngay cả thế tấn cũng khác. Từ đầu đến cuối chỉ dùng thế “Kiềm dương di chân trụ”.
Bài tập vỡ lòng lúc đầu cũng tập trên thế “đứng trụ ở thế Kiềm dương “. Cách tập bài vỡ lòng, khi thân chuyển động thì đứng thế di chân trụ giữ thế Kiềm dương. Khi đứng thế “chân trụ Kiềm dương” thì thân thể giữ nguyên, không di chuyển, 2 chân bám chặt đất, đầu gối hơi khụy gọi là “Kiềm dương”, nghĩa là che bộ hạ, toàn thân hơi ngả về sau. Thế lúc đứng yên và lúc di chuyển là một. Đấy là phép đánh, phép tập thân, tập chân của quyền “Vĩnh Xuân”. Nếu đem cách này biểu diễn cho mọi người xem thì không hấp dẫn như các loại quyền khác. Quá trình tập luyện của phái này là bắt đầu bằng bài tập vỡ lòng đầu tiên. Phái này đề cập đến bài tập vỡ lòng này, các phái khác cho là chả có gì là hay ho cả.
… Đặc điểm của nó là không tập tấn riêng, tập tay riêng mà kết hợp tập tấn và tập tay đồng thời với nhau để khỏi phí thời gian.
Khi đã thuần thục rồi thì tiếp tục tập “tiêu đả”, nghĩa là vừa tiêu đòn vừa đánh. Cách tập này phải 2 người cùng tập, hay là phải tập với thầy. Đây là cách tập thực chiến khi hai người không dính nhau. Việc tập này phải nghiêm túc, khi ra đòn tay hoặc chân, nguyên tắc là phải tập đi tập lại nhiều lần cho đến khi thành phản xạ vô điều kiện (Tâm ứng thủ). Nghĩa là đến khi nào phát quyền phải trúng đích, tiêu quyền không hụt đòn rồi mới tiếp tục chuyển sang 2 tay chạm sau lập “Linh giác” mà thường gọi là phép “Ly thủ”, tức là thực chiến khi tay tiếp xúc nhau. Tập linh giác phải tập đến khi nào không cần mở mắt mà vẫn biết sự biến hóa tay chân của địch và sức phát ra mạnh hay yếu.
………………………….
Lục Viễn Khải
—————————————————-
Hy vọng đôi điều trích dẫn trên có thể giúp ích được phần nào cho các bạn yêu quý môn Vĩnh Xuân khi tìm hiểu.
Chân thành cảm ơn các bạn đã quan tâm và yêu quý Võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền của thầy trò chúng tôi.
Hà Nội ngày 16 tháng 5 năm 2018
Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
VÕ ĐƯỜNG
LIÊN KẾT