Về việc truyền dạy binh khí tại Võ đường Vĩnh Xuân Nội gia

Về việc truyền dạy binh khí tại Võ đường Vĩnh Xuân Nội gia
Sau mấy chục năm tuân thủ lời dạy của sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển, hôm nay, ngày15/9/2018, tôi mới chính thức truyền dạy binh khí của Vĩnh Xuân Nội gia cho các học trò đã thành đạt Nội công của tôi. Tôi vẫn nhớ, khi sư phụ trao cho bài Đao có nói với tôi: ”Anh phải luôn nhớ binh khí là tay nối dài. Muốn sử dụng binh khí tốt, phải giỏi quyền đã. Quyền chưa giỏi đừng vội nghĩ đến binh khí”. Chính vì thế mà gần 40 năm qua, tôi chỉ tập trung cho các học trò của mình luyện quyền và sau đó là luyện công để thành đạt những công phu cao cấp, bí truyền của bản môn mà không truyền dạy binh khí. Trước đây, một vài anh em cũng hỏi tôi về binh khí của bản môn, tôi cũng nói với mấy anh em đó tinh thần như sư phụ tôi đã căn dặn. Giờ đây, các anh em chủ chốt (những người đã thành đạt Nội công) của võ đường ở cả Việt Nam và Ba Lan cũng đã giỏi về quyền, đã đến lúc tôi phải truyền dạy nốt cho các anh em về binh khí của bản môn cũng như những gì còn lại trong toàn bộ Hệ thống quyền thuật của Vĩnh Xuân Nội gia để các anh em lưu giữ. Nhân đợt này tôi sang Ba Lan dài ngày, tôi đã quyết định sẽ truyền dạy binh khí cho các anh em chủ chốt ở võ đường Đại Nghĩa - VXNG, Và hôm nay ngày 15/9/2018, tôi chính thức truyền dạy bài Đao cho mấy anh em võ sư của võ đường Đại Nghĩa Vĩnh Xuân Nội gia. Đôi song đao, tôi làm cho các anh em học trò theo đúng mẫu đôi song đao sư của phụ tôi đã tập luyện dưới sự chỉ dạy của Sư tổ Nguyễn Tế Công mà tôi đã lưu giữ trong bao năm qua và làm theo đúng cho từng người học trò. Riêng bài Côn, thời điểm đó, vì lý do sức khỏe của sư phụ và thời gian đã không còn cho tôi được tiếp tục gần sư phụ để học nốt bài côn, số phận đã đưa sư phụ tôi sớm về với tổ tiên, về với Sư tổ Nguyễn Tế Công, nên trước đó, tôi chỉ được sư phụ chỉ cho cách sử dụng côn cùng một số thế đánh côn. Song, nhờ ân đức lớn lao của Sư tổ Nguyễn Tế Công, sư phụ Trần Thúc Tiển của tôi, Sư tổ và sư phụ đã cảm nhận được tấm lòng chân thành sâu nặng của tôi với môn phái, với Sư tổ và sư phụ, nên trong những năm tháng gắn bó nghĩa tình sâu nặng với anh Nguyễn Chí Thành, con trai Sư tổ, tôi đã được anh Thành nói một số chuyện liên quan đến bài côn của Sư tổ và anh đã trao cho bài Côn của Sư tổ. Thới gian Sư tổ còn sống, anh Thành còn nhỏ tuổi (khi ở ngoài Bắc, anh Thành mới được 11 tuổi; khi ở trong Nam, lúc Sư tổ mất, anh Thành mới 16 tuổi) nên không được Sư tổ dạy. Tuy anh Thành không được học, nhưng do thường xuyên được theo, đươc xem Sư tổ dạy cho các trò, nên anh Thành vẫn nhớ được nhiều những điều Sư tổ giảng dạy cho các học trò. Trong 9 năm (từ khi vào tìm mộ Sư tổ - 28/9/2005 gặp anh Thành cho đến khi anh Thành mất – 12/11/2014), anh em chúng tôi luôn dành cho nhau sự gắn bó sâu sắc cùng những tình cảm chân thành sâu nặng. Hàng năm tôi luôn dành thời gian để 2 – 3 lần vào thắp hương cho Sư tổ và thăm anh Thành. Những lúc anh em chuyện trò với nhau, anh Thành cũng kể nhiều chuyện mà anh nhớ được trong quá trình theo và xem Sư tổ dạy. Tôi thật hạnh phúc vì đã có được bài Côn của Sư tổ, một trong hai binh khí của Vĩnh Xuân đã nổi tiếng trong võ lâm trong mấy trăm năm qua.
Trong một bài viết trước đây (ngày 28/02/2015), tôi  đã viết về bản chất của việc sử dụng hai loại binh khí này của môn phái Vĩnh Xuân qua bài ”Tính Phật trong binh khí của Vĩnh Xuân Nội gia: ”... các bậc Đại sư môn phái Vĩnh Xuân chỉ dùng chiếc gậy (côn) làm phương tiện bên người, trên đường, với nhiều tác dụng hữu ích. Khi phải tự vệ (bảo vệ mình trước kẻ thù, thú dữ), với cây gậy trên tay, uy lực của các Đại sư qua cây gậy là vô cùng mãnh liệt, nhưng không tạo ra cảm giác sát thương như đao kiếm. Cùng với cây gậy cầm tay, các Đại sư Vĩnh Xuân còn mang theo đôi song đao (còn được gọi là Bát trảm đao). Như sư phụ tôi giảng giải: Xuất phát từ mục đích tự vệ, ẩn chứa tính Phật sâu sắc và để thuận tiện mang theo người, các Tiền bối môn phái đã làm ra đôi đao theo một cách riêng. Đôi đao của Vĩnh Xuân được làm sống đao và lưỡi đao dầy bằng nhau (được làm ra, rèn ra từ một tấm thép, lưỡi đao dầy, bằng, không mài sắc). Đao được làm dài bằng một cánh tay (từ khuỷu tay đến bàn tay). Đây chính là một đặc điểm riêng của đao Vĩnh Xuân. Trong một bài viết trước đây đã lâu, tôi cũng đã nhắc đến một kỹ thuật dùng đao của môn Vĩnh Xuân là kỹ thuật lật đao, thu về dọc theo cánh tay (vừa đúng bằng cánh tay) để đỡ, đánh. Đây chính là kỹ thuật sử dụng song đao trong cận chiến, tự vệ. Đặc biệt hữu ích ở những nơi địa hình chật hẹp, hay khi giao chiến ở trên thuyền. Với việc làm ra đôi đao như vậy, các Tiền bối rất thuận tiện bọc trong gói đồ đeo trên người và sử dụng rất linh hoạt ở mọi địa hình, đồng thời kết hợp được với sử dụng song quyền một cách rất hiệu quả.
   Việc làm lưỡi đao bằng, không mài sắc, bên cạnh thể hiện tính Phật trong việc phải sử dụng đao khi tình thế bắt buộc, tránh được cảnh thịt rơi, máu chảy, điều quan trọng như sư phụ tôi nói chính là để làm mẻ lưỡi đao, kiếm của đối thủ khi ta dùng lưỡi đao của mình đỡ đao, kiếm của đối thủ...”.
Tôi tin rằng các anh em học trò của tôi sẽ cùng tôi trân trọng, giữ gìn và phát huy những tinh hoa của bản môn đã được các Sư tổ truyền lại đến đời thầy trò chúng tôi, trong đó có binh khí của bản môn: Đao và Côn.
Tôi thành tâm kính dâng lên các Sư tổ môn phái, Sư tổ Nguyễn Tế Công và sư phụ Trần Thúc Tiển tầm lòng biết ơn vô cùng sâu nặng của tôi và chân thành cầu xin các Sư tổ môn phái, Sư tổ Nguyễn Tế Công và sư phụ Trần Thúc Tiển phù hộ cho thầy trò chúng tôi vững vàng vươn lên trên con đường Vĩnh Xuân Nội gia.
         Warszawa ngày 15 tháng 9 năm 2018
Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo