MỘT SỐ TRAO ĐỔI LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG PHU VĨNH XUÂN NỘI GIA

Trong nhiều năm qua, và cho đến cả những ngày gần đây, sau mấy lần võ đường tổ chức chiêu sinh lớp mới, một số bạn bè, người thân quen và cả một số học trò của tôi vẫn hỏi tôi và cũng như là khuyên tôi: vì sao tôi không đưa những công phu cao trong Vĩnh Xuân Nội gia (như những video, clip thể hiện những bài bài quyền cao cấp, những phương thức luyện công như luyện lực, luyện linh…) để giới thiệu với mọi người, tạo sự hấp dẫn đối với mọi người để họ theo tập. Tôi vẫn trả lời như bao lần tôi đã trả lời (đại ý): Bất cứ môn phái nào (thậm chí là một tổ chức nào) đều có những môn quy, những nguyên tắc, những quy định mà người trong đó phải tuân thủ. Vĩnh Xuân Nội gia cũng không nằm ngoài những điều này, thậm chí với tôi còn có cả những căn dặn trực tiếp từ sư phụ mà tôi phải ghi tạc trong lòng. Như tôi đã viết qua một số bài viết trước đây: Vĩnh Xuân Nội gia không phải là một võ biểu diễn hấp dẫn người xem và là một môn võ không dễ hiểu được bản chất khi chỉ nhìn các đòn thế, nếu không được vào tập thực sự. Một võ sư Vĩnh Xuân quyền ở nước ngoài đã viết (đại ý): nếu các bạn muốn tập võ sáng học, chiều có thể đánh nhau được (hoặc tập vài ba buổi, một hai tuần có thể đánh nhau được), thì các bạn sẽ không bao giờ có được điều này khi tập môn Vĩnh Xuân. Tập môn Vĩnh Xuân nói chung, và tập Vĩnh Xuân Nội gia nói riêng, một trong những đòi hỏi cần có đối với người tập là đòi hỏi sự kiên trì rất lớn. Trong khi cuộc sống hiện nay, những đòi hỏi về kinh tế như những dòng nước lớn ngập tràn xã hội, cuốn hút hầu hết mọi người vào những dòng nước lớn đó. Bên cạnh những đòi hỏi thiết thực, cấp thiết để sống, để tồn tại, để có thể đạt được những mong muốn chính đáng trong cuộc sống gia đình và bản thân, còn là những khát khao làm giầu chính đáng và trong đó cũng không ít những tham vọng giầu có với bất chấp thủ đoạn, bất chấp đạo đức, bất chấp luật pháp và cao hơn cả là bất chấp luật NHÂN QUẢ ở đời. Với sự cuốn hút của những đòi hỏi về kinh tế trong cuộc sống như hiện nay, đã không ít người không còn thời gian cho riêng mình, dù chỉ là tập luyện để giữ gìn sức khỏe để sống và làm việc, nếu có cũng chỉ muốn tập gì đó có kết quả ngay, nhanh hoặc là tập cái gì ít phải suy nghĩ trong khi tập (như đi bộ, chạy bộ, tập trên máy.v.v.). Từ đó những môn Nội gia, những môn võ đòi hỏi tư duy rất cao trong tập luyện, trong đó có Vĩnh Xuân Nội gia, ngày càng trở nên kém hấp dẫn người tập.
Tập luyện Vĩnh Xuân Nội gia (nếu muốn lên cao) không đơn giản là chỉ tập luyện mà mang dáng dấp của một hình thức tu luyện. Trong quá trình tập ở lớp, cũng như ở nhà, người tập phải tập trung rất cao (đặt ý) vào từng đường quyền, từng công phu, từng kỹ thuật. Lớp tập Vĩnh Xuân Nội gia (từ thấp đến cao, đặc biệt là khi luyện công) nhiều khi không có tiếng nói nào của môn sinh, tất cả đều chăm chú tập trung vào công phu, kỹ thuật mình đang tập, có chăng đôi khi chỉ có những lời nói của thầy khi phải nhắc nhở học trò. Tôi vẫn thường nhắc với các học trò của mình: “Khi anh tập, anh phải xác định xung quanh anh không có ai hết, mà chỉ có anh cùng với những công phu, đòn thế anh đang tập. Cho dù lúc đó đang ở trên lớp, có thầy, có bạn tập ở bên cạnh. Có như vậy anh mới tập trung cảm nhận được những điều sâu xa ẩn chứa trong từng đòn thế, trong từng công phu. Anh phải luôn xác định, anh tập cho anh, không tập cho ai khác”. Thực tế có những lúc khi cả lớp ngồi tập thở thì lớp im lặng như một lớp tập thiền, mà thực chất đó cũng chính là một mặt của tập thiền trong Vĩnh Xuân Nội gia. Trong quá trình tập quyền, đặc biệt là quá trình luyện công trong Vĩnh Xuân Nội gia, người tập càng phải tập trung rất cao độ dưới dạng thiền động (tôi đã có một số bài viết viết về hình thức tập luyện này). Đúng như lời tiền nhân từng nói và trong các chuyện chưởng thường hay nhắc tới: “Bế quan luyện công” (đóng cửa luyện công) – khi luyện công, không giao tiếp với bên ngoài để tập trung tất cả cho luyện công. Với việc tập luyện như vậy, trong cuộc sống sôi động hiện nay, làm sao hấp dẫn được người theo tập và cũng đâu có nhiều người đủ kiên trì theo tập lâu dài.
Trên phương diện Tâm linh, Vĩnh Xuân nói chung và Vĩnh Xuân Nội gia nói riêng, là môn võ xuất phát từ nhà Phật, Sư tổ Vĩnh Xuân là Ngũ Mai Sư Bá, một Ni sư của chùa Thiếu Lâm, do đó môn Vĩnh Xuân mang tính Đạo rất lớn. Đã mang tính Đạo nên điều đầu tiên đòi hỏi người đi theo phải có cơ duyên, phải có lòng tin mới có thể theo được. Nếu không có duyên, nếu không có lòng tin vào những công phu của bản môn thì không theo được, có theo rồi cũng bỏ, có cố theo cũng không không thể lên cao được, không thể và không thể “ngộ” ra được sự sâu xa, huyền vi trong những tinh túy của bản môn. Chính vì vậy cho phép tôi nói thật: Vĩnh Xuân Nội gia cực kỳ kén trò.
Trên thực tế, từ năm 2003, năm tôi viết bài đầu tiên về môn Vĩnh Xuân, đến nay là hơn 15 năm, tôi đã viết hàng trăm bài viết liên quan cũng như giới thiệu công phu, kỹ thuật của Vĩnh Xuân Nội gia cùng những bài liên quan tới môn Vĩnh Xuân và Võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền. Tất cả những điều tôi viết ra được (được phép viết ra) qua những bài viết, đều là những điều tôi viết ra từ tâm của mình với tất cả lòng tri ân sâu nặng đến các bậc Sư tổ môn phái, đến Sư tổ Nguyễn Tế Công, đến sư phụ Trần Thúc Tiển của tôi, trên tinh thần tôn trọng tính chính xác, sự trung thực. Mặc dù khả năng về văn phạm có hạn, nhưng tôi tin “tâm sáng thì văn thông”, nên tôi đã cần mẫn viết ra những điều có thể viết được để nói về nhiều mặt của Vĩnh Xuân Nội gia, với hy vọng giới thiệu được phần nào với mọi người về Vĩnh Xuân Nội gia. Để khẳng định sự chịu trách nhiệm về những điều mình viết ra, đến nay hầu hết những bài viết của tôi cùng bộ sách 5 tập về Quyền pháp và cuốn Dưỡng sinh Vĩnh Xuân Nội gia, tôi đều đăng ký bản quyền và đã được cấp chứng nhận bản quyền. Tôi rất hạnh phúc và rất cảm ơn các bạn trước những tình cảm của các bạn đã dành cho thầy trò tôi, đã yêu quý Vĩnh Xuân Nội gia, yêu quý trang web của võ đường, đã thường xuyên vào đọc, tìm hiểu những bài viết của tôi. Cho đến lúc này, khi tôi đang viết bài này, đã có 10.020.027 lượt truy cập vào trang web của võ đường. Tôi cũng hiểu bên cạnh những điều viết ra, cần phải có những minh chứng thông qua các video, các clip. Song rất xin lỗi các bạn, do những ràng buộc về môn quy, về những điều căn dặn của sư phụ nên tôi không thể đưa ra công khai những video, những clip về những công phu cao trong Vĩnh Xuân Nội gia mà chỉ được dạy cho những nội đồ của mình trong võ đường. Và một thực tế rất buồn là một số người đã cóp nguyên văn một số bài viết của tôi đưa về trang web của họ, cũng như gắn vào một số nội dung khác, nhưng bỏ ngày tháng và tên tôi, không đả động đến nguốn gốc, xuất xứ của bài viết. Thậm chí một số kỹ thuật, một số bài quyền cơ bản của Vĩnh Xuân Nội gia được biểu diễn, được giới thiệu, được đưa lên trang web của võ đường, cũng có người lấy đưa ra dạy cho trò của mình mà không nói rõ từ đâu có những kỹ thuật này, có những bài quyền này. Mặc dù những điều nói ở trên đều đã được tôi đăng ký bản quyền, song cũng không vì vậy mà tôi ngăn cản việc đăng lại một số bài viết của tôi hoặc dạy lại một số công phu của Vĩnh Xuân Nội gia. Tôi chỉ muốn họ tôn trọng bản quyền, nên nói rõ nguồn gốc, xuất xứ để mọi người được biết. Điều này tôi cũng đã trao đổi qua một số bài viết trước đây. Việc này cũng nhắc nhở tôi rằng: liệu những công phu cao trong Vĩnh Xuân Nội gia, nếu tôi đưa ra (cứ giả sử được phép đưa ra), liệu có ai đó lại lấy để làm thành của họ hay không? Chính vì vậy cùng với những nguyên tắc của bản môn, tôi chỉ truyền dạy những công phu cao cho các nội đồ của mình trong võ đường.
Thực tế hiện nay, võ đường không còn nhiều người theo tập như những năm mới khai trương, và cũng không ít người đã đến tập rồi, nhưng vẫn bỏ tập. Đây là điều mà tôi phải chấp nhận trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên tôi vẫn rất tin và thực tế dù không nhiều (và cũng không thể có nhiều được) vẫn có những người có cơ duyên, có lòng tin, có sự quyết tâm và kiên trì đi theo con đường Vĩnh Xuân Nội gia cùng tôi. Trong hơn 40 năm gắn bó với Vĩnh Xuân Nội gia, đến nay tôi rất hạnh phúc vì đã dạy được nhiều học trò kế nghiệp ở cả Việt Nam và Ba Lan. Với sự thương yêu, phù hộ của Trời Phật, Thánh Thần, của các bậc Sư tổ môn phái, của Sư tổ Nguyễn Tế Công, của sư phụ Trần Thúc Tiển, của gia tiên cho tôi sự minh mẫn và khỏe mạnh, tôi tin sẽ còn tiếp tục có được được những học trò kế nghiệp nữa trên con đường Vĩnh Xuân Nội gia. Các công phu Vĩnh Xuân Nội gia được Sư tổ Nguyễn Tế Công truyền dạy cho sư phụ Trần Thúc Tiển của tôi, tới thầy trò chúng tôi sẽ tiếp tục trường tồn với thời gian.
Chân thành mong mọi người hiểu cho những điều tôi có thể làm được, được phép làm (viết ra, nói ra, thể hiện ra) cũng như những điều tôi không thể viết ra được, thể hiện ra được về công phu Vĩnh Xuân Nội gia qua một số trao đổi của tôi ở trên.
Chân thành cảm ơn và biết ơn sự tin yêu, quan tâm, giúp đỡ của tất cả mọi người.
Hà Nội ngày 03 tháng 12 năm 2018
Trưởng võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền
Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo