Tản mạn thêm đôi điều về “công phu” trong võ thuật
Vừa rồi, khi đọc lại câu nói nổi tiếng của Lý Tiểu Long: "Tôi không sợ những kẻ tập một lần 10.000 cú đá, tôi chỉ sợ những kẻ tập 10.000 lần một cú đá", tôi nhớ lại những thời gian đầu (năm 2003 – 2004), khi tôi bắt đầu viết về Vĩnh Xuân, Vĩnh Xuân Nội gia (VXNG) và những điều liên quan đến công phu trong tập luyện Vĩnh Xuân và VXNG. Trong đó tôi có nhắc đến trong VXNG, thời gian tập một bài quyền thường rất lâu, nhất là với bài quyền 108, phải tập nhiều năm bài này mới có thể vỡ ra những điều sâu sắc nằm bên trong những đòn thế, nằm bên trong phương pháp tập luyện bài 108. Sau khi đọc một số bài viết của tôi ở thời kỳ đó, có mấy người đã hỏi tôi (đại ý): người ta tập vài năm được rất nhiều bài quyền, đòn thế, của ông tập một bài mấy năm chưa xong thì đánh đấm gì? Tôi cũng chỉ cười và nói: mỗi môn có những phương pháp tập luyện riêng, “nhập gia” thì phải “tùy tục” mà. Môn của tôi không có nhiều bài quyền, nên mỗi bài phải tập rất lâu. Ở giai đoạn đó, môn nội gia chưa phát triển nhiều, thậm chí có những người chưa hiểu hết về “nội gia”, “ngoại gia” trong võ thuật cũng như thấm nhuần lời dạy của người xưa “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” và chắc chắn cũng không nhiều người đọc được câu nói nổi tiếng trên của Lý Tiểu Long.
Trong bài văn tế sư phụ của chúng tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển, anh Lê Kim Giao, một sư huynh của tôi (ngoài những điều viết về tinh hoa của Vĩnh Xuân Nội gia), anh đã viết về công phu tập bài quyền 108:
“… 108 đường quyền cước, công thầy sâu kể xiết bao…”
Vai trò của người thầy trong mọi mặt của cuộc sống liên quan đến dạy và học rất quan trọng. Người xưa đã tổng kết “Không thầy đố mày làm nên”. Trong võ thuật, với những môn nội gia, vai trò người thầy càng đặc biệt quan trọng. Nói về công phu trong VXNG, tôi biết cũng không nhiều người hiểu được sự dầy công của người thầy dạy VXNG trong việc truyền dạy. Trò càng tập lên cao, người thầy càng phải dầy công trong truyền dạy cho trò. Thậm chí có những giai đoạn khi dạy lên cao, người thầy dạy còn vất vả hơn các học trò tập. Điều này thật sự chỉ có có những học trò khi tập lên cao trong VXNG mới biết được, mới hiểu được (trước đây, tôi cũng đã có bài viết nói về điều này). Chính vì vậy nếu tình nghĩa thầy trò trong VXNG không chân thành và sâu nặng thì không thể dạy và học được. Và nếu người thầy không quyết tâm truyền dạy, người trò không toàn tâm công phu tập luyện, người trò cũng không thể học lên cao được. Điều này cũng mang sắc thái “Trực chỉ nhân tâm” trong truyền dạy. Sư tổ Nguyễn Tế Công, ngoài 80 tuổi vẫn dạy; sư phụ Trần Thúc Tiển của tôi dạy cho đến khi ngã bệnh hoàn toàn (đầu năm 1980, vào một buổi tập của tôi – lúc này cũng chỉ còn mình tôi tập - khi tôi đến thì sư phụ đã đi bệnh viện cấp cứu. Ngày hôm đó trời quá rét, người bị xuất huyết não lần 2 và từ đó Người nằm bệnh viện trong tình trạng không biết gì cho đến khi ra đi).
Trong cuộc sống hiện nay, việc tập luyện quyền thuật không còn quan trọng như xưa. Nhiều người còn quan niệm tập luyện võ thuật cũng như một môn thể thao, một sân chơi, một câu lạc bộ đến để rèn luyện sức khỏe và có chút công phu tự vệ giữ mình. Những môn đòi hỏi quá nhiều công phu, tư duy, thời gian và thời gian theo tập dài dần ít hấp dẫn người tập. Thực ra những người đó chưa hiểu hết sự sâu xa trên nhiều lĩnh vực liên quan đến công phu. Dày công trong tập luyện (CÔNG PHU), không chỉ giúp ích trên con đường tập luyện (khỏe và bản lĩnh) mà còn giúp cho con người rèn bản thân, nâng cao khả năng nhìn nhận, khả năng ứng xử trong nhiều mặt của cuộc sống. Và những người đặt tâm vào quyền thuật cũng nên ghi nhớ sâu sắc lời dạy của các bậc tiền bối trong võ thuật:
“Luyện quyền bất luyện công, đáo lão nhất trường không”
Đôi điều tản mạn thêm khi nói về công phu cũng như công phu VXNG, xin chân thành chia sẻ cùng các bạn.
Hà Nội, ngày Noel, 25 tháng 12 năm 2018
Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
VÕ ĐƯỜNG
LIÊN KẾT