Đôi dòng chia sẻ

Đọc bài viết tôi chia sẻ dưới đây, chúng ta đều thấy “Suy nghĩ tỏa ra năng lượng”. Suy nghĩ tốt sẽ tỏa ra năng lượng tốt, suy nghĩ xấu sẽ tỏa ra năng lượng xấu. Con người, động vật và thực vật đều có khả năng cảm nhận được những nguồn năng lượng tỏa ra như vậy cũng như cảm nhận được rất nhiều nguồn năng lượng khác. Động vật và thực vật là bản năng sẵn có (gần như) luôn được mở. Con người do nhiều nguyên nhân bị che lấp đi, sự mở tự nhiên rất ít. Thông qua tập luyện theo những phương pháp phù hợp, khả năng tiếp nhận năng lượng xung quanh mình được khai mở. Từ đó có được những cảm nhận tốt, rất tốt các nguồn năng lượng xung quanh mình. Giỏi hơn có thể đọc ra được suy nghĩ của người khác trong một chừng mực nào đó.
Tập luyện VXNG cũng là một trong những phương pháp giúp cho sự cảm nhận không chỉ trong tập luyện, va chạm, mà giúp cho thầy trò chúng tôi có được những khả năng cảm nhận cao trên nhiều mặt trong cuộc sống. Tôi nói điều này không muốn quảng bá cho Vĩnh Xuân Nội gia (VXNG) của thầy trò chúng tôi. Nhưng trong những năm qua, qua những bài viết về công phu của VXNG, cũng như trong quá trình truyền dạy, tôi luôn nhấn mạnh đến sự “CẢM NHẬN” trong quá trình tập luyện trong VXNG. Các bạn đã đọc những bài viết của tôi chắc nhận thấy như vậy. Các học trò của tôi thì được nghe nhiều về điều này cũng như vấn đề những liên quan. 
Tôi xin phép được chia sẻ bài viết và chia sẻ thêm đôi dòng suy nghĩ của mình.
Cảm ơn các bạn đã quan tâm và đồng cảm.
——————
Bài viết trên trang FB: Blog Đạo Phật - Sasana
Khi mình rải tâm từ, nghĩ tưởng đến muôn loài, mong cho muôn loài hạnh phúc thì họ cũng được ít nhiều ảnh hưởng. Trong cuốn Kinh Nghiệm Tuệ Quán 2, tôi có dịch một bài trong đó có câu chuyện thế này:

Thời Đệ nhị Thế chiến có vị Sayadaw tu trong cái am, có một đệ tử nam ở chung. Hai thầy trò ở trong rừng, tại một tỉnh nào đó trong Miến Điện, lạnh dữ lắm. Vì vậy ban đêm họ phải đốt một đống lửa giữa căn chòi để ngủ. Bữa đó trời lạnh quá có con cọp trong rừng vô sưởi nhờ. Do từ tâm của vị thiền sư nên con cọp thấy lạnh thì vô ngồi rồi sau đó bỏ đi. Người đệ tử bữa đầu sợ lắm, lâu ngày thấy cọp tỏ ra vô hại nên cũng ok. Tuy nhiên anh ta cũng cầm sẵn cái cây thủ thế. Bữa đó thiền sư lên giường nằm rồi, người đệ tử ngủ gục bên đống lửa. Tu hành thả cửa, nên con cọp vô nằm kế bên, lát sau con cọp hả họng ngáp dài. Anh thiện nam thấy con cọp ngáp tự nhiên có ý xấu. Mọi khi sư phụ dạy phải sống có tâm từ, ở trong rừng bên cạnh sư phụ, ai cũng là thân quyến nhiều đời nên ai cũng phải thương, từ con trùn, con dế, con rắn, con cọp... Vậy mà thấy con cọp hả họng tự nhiên anh ta có ý ác muốn lấy cái cây củi đang cháy tọng vô họng nó xem sao.

Vừa có ý nghĩ như vậy thì con cọp bật dậy gầm lên liền. Nó cảm nhận được. Ngài thiền sư đang nằm trong giường, lên tiếng: Nè, mới vừa nghĩ bậy gì người ta phải không? Rải tâm từ cho nó đi! Anh ta vội rải tâm từ cho nó là thương nó thiệt, mong cho nó đừng sân nữa, đừng mang kiếp thú nữa, mong cho nó đừng có quào mình. Thế là con cọp ngủ luôn tới sáng.

Đọc câu chuyện đó tôi cũng thấy xúc động, thì ra trên đời cũng có những tình huống hay hay. Không cần phải đánh, phải giết, chỉ cần có ý nghịch thôi cũng là ác. Tại sao từ tâm lại có năng lượng như vậy? Điều đó rất khoa học. Chỉ vì từ tâm của mình yếu quá nên không lan tỏa năng lượng, không tạo ra sức ảnh hưởng nhất định lên đối tượng khác. Chứ một khi mình sống bằng từ tâm giống như những người chăm sóc vườn thú, tiếp xúc với tinh tinh Gorilla, với cá sấu, với cọp beo thì chúng cảm được.

Nội dung bài kinh này ngoài việc Đức Phật dạy mình nên đọc tụng để rải từ tâm cho các loài côn trùng rắn độc, bài kinh này còn mở ra cho chúng ta một chuyện rất là quan trọng đó là:
“Khi ta nghĩ nhiều về người khác ta sẽ có cơ hội an lành hơn.” Bằng chứng là bà mẹ có khả năng chịu cực chỉ vì thương con. Thương con nên không biết cực. Khi ta có từ tâm với kẻ khác, ta không biết sợ, không biết ghét, nhờ vậy ta có một lực lan tỏa rất mạnh. Nếu phải gặp chuyện bất trắc thì người có từ bi sẽ ra đi không sợ hãi và chắc chắn về cõi lành.

Trích trong bài giảng của Sư Giác Nguyên.

NAM MÔ ĐỨC BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

© www.budsas.asia - www.BlogDaoPhat.com
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo