Một số trao đổi về các mục đích trong tập luyện VXNG

Qua một số trao đổi của một số anh em về chia sẻ vừa rồi của tôi về quá trình tập luyện trong hơn 50 năm qua, tôi cũng muốn chia sẻ cụ thể hơn tới các học trò của tôi ở cả Việt Nam và Ba Lan về những điều cần biết khi bước vào tập luyện Vĩnh Xuân Nội gia. Tôi cũng hy vọng các anh em trong võ lâm có thể đọc những chia sẻ này của tôi để cùng giúp nhau nâng cao hiểu biết thêm về những điều liên quan này tới võ thuật. Tuy nhiên tôi cũng phải nói với các bạn rằng đây là quan điểm của cá nhân tôi, tôi rút ra từ những bài học qua lời dạy của tiền nhân và tôi yêu cầu các học trò của tôi trong võ đường phải cùng thực hiện. Những chia sẻ này không liên quan đến các tổ chức võ thuật (môn phái, võ đường) nào cũng như các môn võ thuật thể thao chuyên nghiệp nào, cũng như cá nhân nào mà chỉ trong võ đường của thầy trò chúng tôi. Cho nên các bạn ngoài võ đường nếu có đọc thì cũng hiểu rõ điều này. Tôi rất cám ơn các bạn quan tâm đọc những chia sẻ này của tôi,
Ở võ đường VXNG của thầy trò chúng tôi, tôi cũng đã chia sẻ nhiều về vấn đề này với các anh chị em học trò trong quá trình tập luyện tại võ đường. Song có thể tôi cũng không chia sẻ hết cùng một lúc mà quan trọng là nhắc nhở các anh em phải biết khiêm tốn (lấy chữ KHIÊM làm đầu), không được khoe khoang, không được thử với ai... Tuy nhiên, như trên tôi đã viết, tôi muốn chia sẻ sâu hơn về những điều (vừa qua tôi đã chia sẻ) tôi đã ghi lại trong phần đầu cuốn sổ tay võ thuật của tôi trước đây vào những năm 1970, ghi chép lại những bài quyền, những đòn thế trong quá trình tôi tập luyện môn Thiếu Lâm.
Sau khi theo tập môn Thiếu lâm được một thời gian, qua một số lý do trong quá trình tập luyện, tôi bắt đầu dành thời gian tìm hiểu về Triết học Đông phương, trong đó bao gồm cả về Phật giáo, y học (Trung y - Đông y), lý số... Và tôi dần hiểu ra luật NHÂN QUẢ, sự tác động của NGHIỆP tới cuộc sống của bản thân trong kiếp hiện sinh và trong những kiếp sau liên quan tới việc tập luyện võ thuật. Trong đó tôi hiểu rõ bản thân cá nhân (ai đó) bắt đầu tập luyện võ thuật tức là bắt đầu đeo lên vai mình một cái NGHIỆP. Cái Nghiệp đó có thể phát tác những điều không tốt tới bản thân người đó (người tập luyện võ thuật) nếu người đó qua võ thuật làm những điều không hợp với ĐẠO và cũng có thể không những không phát tác mà còn có thể giúp cho người đó những điều tốt lành trong cuộc sống, nếu người đó qua võ thuật làm những điều thiện lương và làm những điều tốt, giúp ích cho cuộc sống xã hội. Chính vì vậy mà tôi ghi chép lại vào sổ tay võ thuật của mình thời kỳ đó những điều cơ bản mà mình phải cố gắng thực hiện theo những điều tốt, cố gắng tránh xa, không làm những điều gây nên nghiệp quả xấu cho bản thân. Người xưa đã dạy: “Biết võ thường hay có nghiệp chướng, phải lấy đức của mình để kiềm chế nghiệp chướng”. Mỗi khi bỏ sổ ra để ghi chép, để ôn tập cho nhớ những bài quyền, những đòn thế, tôi lại phải đọc lại những điều cơ bản này để nhớ.
Về chữ KHIÊM trong võ thuật, tôi cũng đã trao đổi nhiều trong võ đường. Nếu không KHIÊM trong quá trình tập luyện trong võ thuật nói riêng và trong cuộc sống nói chung sẽ không bao giờ giỏi được và sẽ không bao giờ đi xa (tiến xa) được. Sự khoe khoang chỉ làm cùn đi sự tiến bộ của bản thân. Và không phải là điều hay nếu phải va chạm trong khi đối thủ lại biết nhiều về công phu của mình. Đồng thời trong cuộc sống chắc chắn sẽ không ít người giỏi và giỏi hơn ta. Cho nên người tập võ phải thấm nhuần lời dạy của các bậc tiền nhân: “Cao nhân tắc hữu cao nhân trị”; “Ai ơi chớ có hợm mình, giang hồ lắm kẻ tài tình hơn ta” và “Có tài mà cậy chi tài, chữ “tài” liền với chữ “tai” một vần”... để từ đó biết khiêm tốn và cố gắng trao dồi công phu cho bản thân.
Tập (học) võ để trước hết cho mình sức khỏe, đây là điều quan trọng số 1. Nếu không khỏe, không có sức mạnh thì có đánh vào đối thủ, sẽ khó có hiệu quả. Tập là để bảo vệ cho mình, bảo vệ cho người thân trước những nguy hiểm trong cuộc sống và trong khi phải va chạm. Lời người xưa đã dạy: “Học võ phòng thân chứ không học võ đánh người”. Đồng thời luôn hiểu sâu sắc điều “Giữ được mình tức là thắng được người”: khi mình đã không để cho đối thủ đánh được vào người mình (với những môn đệ VXNG thành đạt, có bị đánh vào người cũng không gây hấn gì), thì việc đánh lại đối thủ chắc chắn là đơn giản. Tuy nhiên để có thể chắc thắng khi phải va chạm, bên cạnh việc phải tập luyện giỏi thì việc bình tĩnh và tự tin không thể thiếu khi phải va chạm. Chỉ có bình tĩnh và tự tin mới giúp cho việc thi triển công phu đã học được thông thuận và hiệu quả.
Với lời dạy: “Muốn thành công trên con đường đời, dù ở phương diện nào cũng vậy, trước hết phải có đạo đức với hai cánh tay sắt và một khối óc thông minh”, ta phải hiểu rằng đó là nói tới bộ ba: ĐẠO ĐỨC + SỨC KHOẺ + MINH TRIẾT trong con người. Trong đó “hai cánh tay sắt” bao gồm KHOẺ & BẢN LĨNH (nói tới khả năng trong võ thuật). Khi có được bản lĩnh (có sự thành đạt trong võ thuật) sẽ giúp cho bản thân tự tin trước mọi biến cố (trước kẻ thù, trước các khó khăn...) trong cuộc sống. Sự tự tin trong sự minh triết sẽ giúp tìm ra cách giải quyết (xử lý tình huống, thực thi công phu...) hiệu quả. Chính vì vậy khi xây dựng võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền, tôi đã đặt ba tiêu chí (định hướng) quan trọng là: SỨC KHOẺ, BẢN LĨNH & TRÍ TUỆ. Trong phương thức tập luyện VXNG, các bài tập giúp rất tốt việc nâng cao khả năng tư duy và hoạt động cao của trí não.
Tuân thủ việc “Học võ phòng thân chứ không học võ đánh người”, trong võ đường, tôi cấm các học trò tôi “đấu thử”, tôi cũng ghi rõ điều này trong Quy chế của võ đường. Việc “đấu thử” luôn tạo ra tâm lý ăn thua, hơn kém và luôn tạo nên các yếu tố tiêu cực như: muốn phục thù khi thua, tự mãn khi mình thắng, vô tình còn có thể gây nguy hại cho nhau... Từ đó luôn có ý chí “háo thắng”, chỉ muốn đánh nhau để xem khả năng của mình ngay từ trong tập luyện, thậm chí là chỉ thích thể hiện, khoe việc tập luyện của bản thân với bên ngoài. Điều này làm “tâm không bình”, không có sự KHIÊM trong tập luyện, sẽ khó có thể tập luyện được sâu các công phu cao trong quyền thuật VXNG. Đồng thời với việc này, sẽ làm phát tác các “nghiệp xấu” cho bản thân. Võ đường của thầy trò chúng tôi, khi tham gia biểu diễn cũng hoàn toàn thể hiện lại những gì đã tập trong võ đường, không có bài quyền nào mang tính biểu diễn. Trong hệ thống quyền thuật VXNG, có những bài quyền mang tính đối luyện, đối kháng rất sâu sắc mà không cần phải đấu thử. Những bài quyền này khi tập thuần thục, giúp cho người tập lòng tự tin rất cao về hiệu quả, nếu buộc phải va chạm.
Nhân bài viết này, tôi xin chia sẻ một điều cũng quan trọng trong tập luyện trong võ đường VXNG của thầy trò chúng tôi với các bạn. Như trên tôi đã viết, tôi đã “... dành thời gian tìm hiểu về Triết học Đông phương, trong đó bao gồm cả về Phật giáo, y học (Trung y - Đông y), lý số...” từ khi tôi đang tập luyện môn Thiếu Lâm. Điều này đã giúp tôi rất lớn trong suốt hành trình tập luyện: từ Thiếu Lâm, tới Yoga và Vĩnh Xuân Nội gia. Trong quá trình đọc, nghiên cứu các tài liệu về Trung y - Đông y, cuốn “Hoàng đế Nội kinh Tố vấn”, các cuốn sách của Hải Thượng Lãn Ông (sau này được tập hợp thành bộ sách “Y Tôn Tâm lĩnh”) và một số cuốn khác về Yoga, về Thiền định, đã giúp cho tôi rất lớn khi bước vào tập luyện, nhất là khi tập Yoga và sau này là Vĩnh Xuân Nội gia. Tôi thường nhắc các học trò và cũng đã viết trong một số bài viết là: muốn tập giỏi Vĩnh Xuân Nội gia phải tìm hiểu (hoặc phải thừa nhận) về Triết học Đông phương. Với các học trò lớn tôi khuyên phải đọc, đọc đi đọc lại và ngẫm thật kỹ cuốn “Hoàng đế Nội kinh Tố vấn”, có như vậy mới hiểu sâu sắc được về bản chất công phu của Vĩnh Xuân Nội gia, qua đó mới tập giỏi được. Các bạn cũng có thể đọc để tìm hiểu giá trị nội dung cuốn sách này. Với những người hành nghề Đông y, (tôi thiển nghĩ) đây là cuốn sách kinh Điển quan trọng bậc nhất phải có trong quá trình hành nghề của mỗi người.

Những chia sẻ của tôi ở trên có thể là dài, song tôi thấy như vậy mới tạm đủ những ý tôi muốn chia sẻ. Hy vọng các học trò của tôi đọc kỹ, hiểu và tuân thủ nghiêm túc. Tôi cũng hy vọng các bạn ngoài võ đường qua đọc bài chia sẻ này sẽ đồng cảm một số quan điểm xuyên suốt trong quá trình tập luyện của thầy trò chúng tôi.
Thầy cám ơn các học trò đã tuân thủ các yêu cầu của thầy về những điều nói trên cũng như các yêu cầu khác trong quá trình tập luyện.
Tôi cám ơn các bạn đã đồng cảm, yêu quý thầy trò chúng tôi cũng như võ đường VNVXNGQ của thầy trò chúng tôi ở cả Việt Nam và Ba Lan và những bài viết của tôi.
Rất mong mọi người bỏ qua nếu đọc bài viết này thấy không phù hợp với suy nghĩ của bản thân.
Chân thành cám ơn tất cả.
Warszawa ngày 08/04/2019
Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo