ĐÔI ĐIỀU TRAO ĐỔI VỀ THIỀN

Như mọi người đã biết tôi là một ông thầy dạy môn võ Vĩnh Xuân Nội gia, không phải là một Thiền gia. Trên thực tế tôi cũng biết có những phương pháp Thiền khác nhau song hành đồng thời. Như tôi đã viết trong bài mới đây, bài “Đôi điều chia sẻ về việc tìm hiểu Đạo Phật của bản thân”: “THIỀN là phương tiện để người tu tập qua đó thực hiện các hình thức tu tập trong THIỀN, nhằm đạt được mục đính đề ra trong tu tập”. “THIỀN có thể ví như con thuyền của riêng mỗi người mà người trên đó vừa là thuyền trưởng, vừa là người lái. Mục đích đi tới đâu trên con thuyền THIỀN là của người ngồi trên đó.”... Tùy theo môn tu tập mà đặt mục đích cho việc Thiền (Thiền có mục đích). Trước đây vào những năm 1970, tôi đã tập khí công, sau đó tập Thiền theo phương pháp “Quán Tự tại” (hay còn gọi là “Tọa Thiền Chỉ quán”), rồi qua quá trình tập và tìm hiểu các phương pháp YOGA, tôi đã tập Thiền theo phương pháp Yoga Thiền định và khi đến với môn Vĩnh Xuân Nội gia (VXNG), tôi đã tập Thiền theo Vĩnh Xuân Nội gia cho đến ngày nay. Thực chất tập Thiền theo VXNG nói đơn giản là tập THỞ. Như tôi đã giới thiệu qua các bài viết trước đây cũng như trong bộ sách “VIỆT NAM VĨNH XUÂN NỘI GIA QUYỀN PHÁP” các phương pháp thở của VXNG gồm: THỞ CƠ BẢN; THỞ NỘI CÔNG, THỞ TIỂU CHU THIÊN, THỞ ĐẠI CHU THIÊN. tất cả các phương pháp tập luyện thở này đều lấy Thiền làm phương tiện để “lấy ý khiển khí”, dẫn Nội khí, dẫn Nhị khí hợp nhất (Thiên khí và Nội khí), dẫn Tam khí hợp nhất (Thiên khí, Địa khí và Nội khí) đi theo các đường được ấn định trong cơ thể theo phương pháp tập luyện, cũng như đưa khí vào trong xương để ‘khí nhập cốt” tạo nên độ vững chãi của hệ xương trong cơ thể ... Qua đó nâng cao nội khí, nội lực, nội công, sự cảm nhận, sự minh trí.v.v. Những điều này đều nằm trong tiêu chí của Vĩnh Xuân Nội gia : SỨC KHỎE, BẢN LĨNH & TRÍ TUỆ mà tôi đã đặt ra từ khi thành lập Võ đường.
Cũng có người đã hỏi tôi, khuyên tôi nên tập Thiền theo phương pháp Thiền đang được phổ biến rộng rãi hiện nay cho những người tu hành, cho những Phật tử, đó là Thiền Minh sát (Vipassana). Tôi cũng đã tìm hiểu về Thiền Minh sát, thậm chí tôi đã đưa một bài viết về Thiền Minh sát tôi đọc trên mạng lên trang FB cá nhân của tôi. Song tôi thấy mình chưa đủ duyên để theo phương pháp Thiền này, tôi trung thành với Thiền theo VXNG trong cuộc đời này của tôi.
Trên thực tế, theo sự hiểu biết và kinh nghiệm của tôi về Thiền, tôi thấy không một phương pháp Thiền nào mà không tuân theo một quy trình cơ bản của Thiền: “Không THIỀN, không ĐỊNH, không ĐỊNH, không HUỆ”. ĐỊNH là mục tiêu đầu tiên phải đạt được của bất kỳ phương pháp Thiền nào và HUỆ chính là để đi đến mục đích của phương pháp Thiền của mỗi người đặt ra. Như tôi đã viết trong bài trước, mục đích của Thiền “Có thể chỉ là tìm sự nghỉ ngơi tĩnh lặng của cơ thể sau một ngày làm việc; có thể là để đạt được các mục tiêu đề ra trong tập luyện … trong quyền thuật hoặc trong các tập luyện khác; có thể giúp đánh thức các tiềm năng ẩn tàng trong cơ thể, làm chủ được cơ thể, khai mở được các trung tâm lực của cơ thể, tạo lên những năng lực kỳ diệu, cao hơn nữa là chứng đắc các thần thông; cao hơn tất cả trong THIỀN là để đạt được các Đạo quả cao trong tu hành, tiến tới giải thoát hoàn toàn (theo con đường của Đức Phật).”
Bên cạnh ĐỊNH là điều đầu tiên bắt buộc bất kỳ phương pháp Thiền nào cũng phải đạt được, thì theo dõi hơi THỞ là điều quan trọng mà bất kỳ phương pháp Thiền nào cũng phải thực hiện (mức độ quan trọng là tùy thuộc vào mục đích của Thiền) để qua đó giúp đạt được ĐỊNH. Ngay cả phương pháp Thiền Minh sát, trước khi vào Thiền (hay lấy lại sự tập trung khi Thiền – trạng thái ĐỊNH), cũng phải chú tâm vào theo dõi hơi thở vào – ra. Thực chất hình thức này nằm trong một quy trình cơ bản của Thiền là: ĐIỀU THÂN – ĐIỀU TỨC – ĐIỀU TÂM. Mức độ quan trọng của các bước trong quy trình này phụ thuộc vào mục đích Thiền của người tu tập Thiền. Hiểu một cách đơn giản:
+ ĐIỀU THÂN: là điều chỉnh tư thế (ngồi, đứng, nằm, đi) trước khi hành Thiền.
+ ĐIỀU TỨC: là theo dõi hơi thở, cao hơn là điều khiển hơi thở (ĐIỀU TỨC), dẫn hơi thở (dẫn khí) đi theo ý muốn của ngươi tu tập Thiền, đó là “lấy ý khiển khí”.
+ ĐIỀU TÂM: sau khi đạt được việc ĐIỀU THÂN, ĐIỀU TỨC, ta sẽ đạt được trạng thái ĐỊNH. Từ trạng thái này, ta sẽ đưa tâm (ĐIỀU TÂM) mình thực hiện mục đích Thiền đã đặt ra (như đã viết ở trên).
Theo hiểu biết và kinh nghiệm tu tập Thiền của tôi, tôi có thể khẳng định: quy trình cơ bản của Thiền (ĐIỀU THÂN – ĐIỀU TỨC – ĐIỀU TÂM) và trạng thái ĐỊNH là những điều bắt buộc phải thực hiện đối với bất kỳ phương pháp Thiền nào. Chỉ khác nhau là tên gọi, mức độ, yêu cầu đặt ra từng phần, tùy theo mục đích Thiền. Như với Thiền Minh sát theo tôi hiểu: cũng phải chọn và làm quen với một tư thế Thiền (ĐIỀU THÂN) để Thiền được lâu và thoải mái nhất; cũng phải theo dõi hơi thở để tạo sự tập trung (ĐIỀU TỨC); cũng phải chú tâm (ĐIỀU TÂM) để quan sát những diễn biến của thân và tâm khi hành Thiền. Đối với Thiền trong VXNG của thầy trò chúng tôi, mục đích cao nhất là (thông qua ĐIỀU TỨC): nâng cao nội khí, nội lực, nội công, sự cảm nhận của cơ thể, sự minh triết…như tiêu chí đã đặt ra: SỨC KHỎE, BẢN LĨNH & TRÍ TUỆ.
Đây là đôi điều với tôi rất cơ bản và quan trọng trong việc tu tập Thiền xin được chân thành chia sẻ cùng các bạn. Hy vọng có thể giúp ích được đôi chút cho những người mới tu tập Thiền. Nếu có thể, tôi sẽ viết tiếp trên cơ sở những hiểu biết và kinh nghiệm của tôi trong lĩnh vực Thiền.
Để kết thúc bài viết, tôi xin phép được viết lại một lời khuyên của Đức Phật có trong cuốn sách ĐẠO PHẬT VÀ PHẬT PHÁP (trang 231): “Thay vì đọc kinh cầu nguyện, Đức Phật khuyên nên cố gắng hành thiền để ghép mình vào kỷ luật, tự kiểm soát, tự thanh lọc tâm, và giác ngộ. Thiền tập là liều thuốc bổ cho cả tâm lẫn trí”.
Chân thành cám ơn các bạn đã đọc bài viết này của tôi.
Mùa Phật đản năm Canh Tý - 2020
Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo