ĐÔI ĐIỀU TRAO ĐỔI VỀ THIỀN (tiếp theo)

Như mọi nguời đã biết, hiện nay có rất nhiều sách và bài viết viết về THIỀN và những điều liên quan tới THIỀN. Bản thân tôi, từ lâu cũng đã đọc một số sách, bài viết về THIỀN, cũng như trong hơn 40 năm qua đã tu tập THIỀN qua một số phương pháp THIỀN. Tôi cũng đã rất mạo muội chia sẻ đôi chút về những hiểu biết và những kinh nghiệm của tôi trong THIỀN theo phương pháp tôi đã tu tập và hiện đang tu tập, cũng có thể không giống với những phương pháp THIỀN hiện nay. Cho nên tôi hy vọng những chia sẻ tôi viết ra để mọi người tham khảo và xin được góp một tiếng nói nhỏ nhoi trong lĩnh vực THIỀN để cùng nhau hiểu thêm về THIỀN qua những góc nhìn khác nhau.
Nói về lịch sử THIỀN, khó có ai có thể biết được THIỀN có từ bao giờ. Nếu theo truyền thuyết của các Đạo sư kể lại qua sự tìm hiểu của Giáo sư, Tiến sĩ y học E-rơ-nơ Mun-da-sép trong bộ sách năm cuốn nổi tiếng “Chúng ta thoát thai từ đâu” thì THIỀN có thể đã có hàng nghìn năm, thậm chí là hàng triệu năm qua: “Không phải ai tham Thiền cũng đạt được định và không phải người nào học được cách nhập định rồi đều có thể đạt được trạng thái xô-ma-chi (một trạng nhập định cao nhất của tham thiền, để “thân thể trở nên rắn và rất rắn”), khi mà thể xác (đó) có thể được bảo toàn trong nhiều năm” trong điều kiện tự nhiên, thậm chí “Thể xác có thể được bảo toàn hàng trăm, hàng nghìn năm và thậm chí hàng triệu năm” (lời của đạo sư Đa-ram) –(cuốn CHÚNG TA THOÁT THAI TỪ ĐÂU, trang 111 - 113). Trong cuốn “ĐẠO CỦA VẬT LÝ – MỘT KHÁM PHÁ MỚI VỀ SỰ TƯƠNG ĐỒNG GIỮA VẬT LÝ HIỆN ĐẠI & ĐẠO HỌC PHƯƠNG ĐÔNG” tác giả FRITJOF CAPRA (Giáo sư ngành vật lý tại các đại học và viên nghiên cứu tiếng tăm tại Mỹ và Anh) qua nghiên cứu, đã viết: “Trong lịch sử văn hóa lâu đời của Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật bản đã phát sinh ra nhiều dạng tu học, hành lễ và nghệ thuật nhằm mục đích này, tất cả những dạng đó có thể gọi chung là thiền định cả, theo nghĩa rộng… Có nhiều lối thiền quán trong đó tâm suy luận bị ngưng hoạt động bằng cách hành giả chú tâm lên một điểm, như hơi thở, một âm thanh huyền bí hay hình ảnh một man-đa-la… các loại nghệ thuật phương Đông cũng là những dạng khác nhau của thiền quán… Phép tập thái cực không phải nghe sao tập vậy mà phải luôn luôn cùng thầy bước lại từ đầu. Trong trà đạo Nhật Bản ta thấy toàn là hành động chậm rãi, đúng qui phép. Phép đánh quyền Trung Quốc đòi hỏi bàn tay vận động tự nhiên, không gò bó.” (trang 49, 50)
Cho phép tôi chân thành nói thêm ngoài: nếu ai đó có thời gian, rất nên tìm đọc 2 cuốn tôi đã trích dẫn ở trên: bộ sách năm cuốn “CHÚNG TA THOÁT THAI TỪ ĐÂU” (mỗi tập mang một tên sách riêng) và “ĐẠO CỦA VẬT LÝ”.
Lịch sử của THIỀN chỉ được ghi lại bằng văn tự cách đây khoảng 6.000 năm qua bộ kinh Phệ-đà (bộ kinh này được coi là kinh gốc của Đạo Bà La Môn - Ấn Độ). Một bộ kinh mà nhiều người còn cho được mang từ thế giới văn minh khác ngoài trái đất đến trái đất. Theo suy nghĩ của tôi, các phương pháp THIỀN sau này cũng đều có nguồn gốc từ THIỀN trong kinh Phệ Đà. Cũng giống như môn võ Thiếu Lâm là khởi nguồn của biết bao môn võ hiện nay trên Thế giới. Trước khi Đức Thế Tôn tìm ra con đường “Trung Đạo” để giúp con người được giải thoát mọi khổ đau trên thế giới này, Người cũng đã từng tu tập theo Đạo Bà La Môn. Theo hiểu biết của tôi, THIỀN là một phương pháp tu tập, tu luyện, tu hành DUY NHẤT để có thể đạt được mục đích tối thượng mà người tu tập đặt ra khi HÀNH THIỀN. Đức Phật cũng đã đặt THIỀN ở mức rất cao khi khuyên: “Thay vì đọc kinh cầu nguyện, Đức Phật khuyên nên cố gắng hành thiền để ghép mình vào kỷ luật, tự kiểm soát, tự thanh lọc tâm, và giác ngộ. Thiền tập là liều thuốc bổ cho cả tâm lẫn trí”. (sách ĐẠO PHẬT VÀ PHẬT PHÁP, trang 231)
Tôi không có điều kiện để tìm hiểu về các phương pháp Thiền khác, tôi chỉ tập Thiền theo “Thiền Chỉ Quán”, Yoga Thiền Định (Raja Yoga) và Thiền theo VXNG. Như tôi đã chia sẻ: “THIỀN là phương tiện để người tu tập qua đó thực hiện các hình thức tu tập trong THIỀN, nhằm đạt được mục đính đề ra trong tu tập”. Trong tu tập THIỀN: “quy trình cơ bản của Thiền (ĐIỀU THÂN – ĐIỀU TỨC – ĐIỀU TÂM) và trạng thái ĐỊNH là những điều bắt buộc phải thực hiện đối với bất kỳ phương pháp Thiền nào.”. Trong ĐIỀU THÂN có nhiều tư thế để hành Thiền (ngồi kiết già, ngồi bán già, ngồi xếp bằng, ngồi ghế, đứng, nằm, đi) tôi xin phép chỉ nói riêng về thế ngồi Kiết già, vì đây là thể ngồi ngoài việc là một thế ngồi ổn định nhất, vững chắc nhất, thì đây là một thế tốt nhất, hiệu quả nhất cho việc tu tập khí, dẫn khí, khiển khí (ĐIỀU TỨC). Thế ngồi Kiết già còn được người xưa gọi là thế ngồi NGŨ TÂM HƯỚNG THIÊN. Trong cuốn “DƯỠNG SINH VĨNH XUÂN NỘI GIA” (xuất bản quý 1 năm 2013), tôi đã nói khá kỹ về thế này cùng việc thu năng lượng khí qua thế ngồi này ở các trang 26, 35, 36 trong mục “Đôi nét về Thiền” từ trang 21 đến trang 37. Tôi xin phép không trích lại vì sẽ rất dài bài viết.
Trong các phương pháp tôi đã theo trước khi theo Thiền của VXNG, tôi cũng chưa bước qua được mức Sơ Thiền. Tôi không có khả năng tìm hiểu các thứ bậc Thiền trong Đạo Phật. Nhưng với mức Sơ Thiền như tôi nói tới, tức là phải đạt được làm chủ các giác quan (ngũ quan). Ví như khi ngồi Thiền, dù có những mùi thơm quyến rũ xung quanh, nhưng mũi không cảm nhận được mùi thơm, tâm không bị tác động… Trong quá trình ngồi Thiền, tôi chỉ ĐIỀU TỨC, dẫn được khí đi theo các đường đi được ấn định trong cơ thể, như đi trong xương sống và đi trong hệ xương của cơ thể (để khí nhập cốt), nhập khí vào Đan Điền (thở cơ bản của VXNG), dẫn khí đi theo vòng Tiểu Chu Thiên, dẫn khí đi theo vòng Đại Chu Thiên, dẫn khí đi theo thở NỘI CÔNG. Ngoài ra tôi còn dẫn khí động theo bài Khí công Vĩnh Xuân Quyền.
Với việc “ĐIỀU TÂM”, nói hai chữ này thật đơn giản, nhưng để thực hiện được là cả một kỳ công vô cùng lớn, không phải ai cũng có thể đi đến cùng được. Như có thể tạo lên những năng lực kỳ diệu, chứng đắc các thần thông, hay đỉnh cao trong Yoga Thiền Định là “tạo khả năng nhìn vào trí tuệ vũ trụ” (cuốn CHÚNG TA THOÁT THAI TỪ ĐÂU, trang 95), có thể làm chủ sự sống chết của bản thân, hòa nhập được với vũ trụ. Theo Phật giáo có thể chứng đắc các Đạo quả cao và đi tới cảnh giới Niết-bàn.
Như trong cuốn ĐẠO CỦA VẬT LÝ (trang 37) có viết: “Thiền tông Phật giáo nói rõ người ta có thể dùng ngón tay chỉ mặt trăng, nhưng khi đã thấy mặt trăng rồi thì hãy quên ngón tay đi”.
Đức Sơ tổ Thiền tông Trung Hoa, Bồ Đề Đạt Ma, Phật Tổ đời thứ 28 tính từ Đức Thế Tôn đã nói về Thiền tông như sau: “Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền, Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật” (Không lập văn tự, Tuyền ngoài giáo điều, Chỉ thẳng tâm người, thấy Tính thành Phật).
Người tu tập Thiền, trên cơ sở mục đích Thiền đã đặt ra, phải tự mình chứng ngộ qua từng giai đoạn, trên cơ sở thân tâm toàn nhất, không thể nương nhờ vào bất kỳ ai. Như Đức Phật dạy: “phải tự mình thắp đuốc lên mà đi.”. “Giáo pháp cao thượng không phải là cái gì ở ngoài ta, mà hoàn toàn tùy thuộc nơi ta và chỉ do ta chứng ngộ.” (sách ĐỨC PHẬT VÀ PHẬT PHÁP, trang 218).
THIỀN, đây là một lĩnh vực vô cùng cao siêu và là con đường duy nhất để những người tu tập, tu luyện, tu hành có thể đạt được mục đích tối thượng đặt ra. Đã có bao nhiêu tác phẩm, bài viết về lĩnh vực này. Tôi chỉ xin phép “Lời quê chắp nhặt dông dài, Mua vui cũng được một vài trống canh” (Truyện Kiều). Hy vọng mọi người hiểu và đồng cảm cùng tôi.
Chân thành cám ơn và biết ơn mọi người đã quan tâm, động viên và đồng cảm.
Rằm tháng Tư, ngày Phật đản năm Canh Tý – 2020
Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo