Kỷ Niệm Về Một Chuyến Đi Thiêng Liêng Và Sâu Sắc

Sáng nay, 07/7/2020, có một bạn hỏi tôi: tại sao thấy thầy viết là phải đi tìm mộ của cụ Nguyễn Tế Công, khi mà trong Sài Gòn, cụ Nguyễn Tế Công cũng có dạy một số học trò? Sao thầy không hỏi những nhánh học trò của cụ mà phải đi tìm?
Tôi cám ơn bạn đó đã hỏi và tôi cũng nói bạn đó vào trang web của VĐ để xem những bài viết liên quan đến việc tìm mộ Sư tổ của tôi từ năm 2005. Thời điểm đó, có thể do cuộc chiến ở miền Nam kéo dài và có thể do anh Thành không học được công phu của Sư tổ (khi Sư tổ Nguyễn Tế Công còn sống, thì anh Thành còn nhỏ, trong khi môn Vĩnh Xuân do Sư tổ truyền dạy, nhỏ tuổi không học được. Sư tổ mất khi anh Thành mới 16 tuổi), nên quan hệ giữa gia đình Sư tổ với các nhánh của học trò giảm dần và rồi không còn giữ mối quan hệ, cho nên sau đó không có ai đến gia đình Sư tổ và đến mộ Sư tổ thắp hương. Bao nhiêu năm qua, chỉ có gia đình Sư tổ và sau này chỉ có anh Thành đến thắp hương cho cha mình, Sư tổ Nguyễn Tế Công. Cũng rất may, anh Lục Hà Kim, em ruột của cố võ sư Lục Viễn Khai, một học trò của Sư tổ ở trong Nam, là người Trung Hoa, nên có mối quan hệ trong cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn, do đó biết nhà của anh Thành. Qua đó, anh Quang, một học trò của cố võ sư Lục Viễn Khai, đã hỏi anh Kim nhà của anh Thành và dẫn tôi đến được với anh Thành và rồi được anh Thành đưa đến mộ Sư tổ. Để rồi từ đây, sau bao nhiêu năm các nhánh Vĩnh Xuân của Sư tổ không biết được nơi yên nghỉ của vị Sư tổ vô cùng đáng kính trọng, nay đã biết đến nơi yên nghỉ của Sư tổ và đã đến thắp hương cho Sư tổ, để Sư tổ được ấm lòng nơi chín suối trước tấm lòng của những hậu duệ của Người. Tôi xin phép được chia sẻ lại bài viết sau khi tới được mộ Sư tổ ngày 28/9/2005 để các bạn hiểu thêm.
Cám ơn tình cảm của các đã dành cho thầy trò chúng tôi.
MỘT CHUYẾN ĐI THIÊNG LIÊNG VÀ SÂU SẮC
Trong nhiều năm qua, với niềm tri ân sâu sắc với Sư tổ Nguyễn Tế Công - người đã đem tinh hoa của môn phái Vĩnh Xuân truyền lại cho người Việt Nam chúng ta - tôi đã đặt tâm tìm hiểu nơi Người yên nghỉ để có thể đến thăm viếng, thắp nén hương thành kính trước mộ Người, cũng như tìm hiểu gia đình của Người (các con cháu) để có thể giãi bày phần nào những tình cảm của sư phụ tôi - Cố võ sư Trần Thúc Tiển - với gia đình Người, mà sư phụ tôi đã nói lại với tôi vào những năm tháng cuối cùng trong cuộc đời của sư phụ tôi.
Từ những lúc mò mẫm theo một địa chỉ cũ của gia đình Sư tổ - ngõ Đồng Khánh, Chợ Lớn - rồi cho đăng báo Sài Gòn Giải Phóng (trong 3 kỳ ) để hy vọng tìm kiếm qua độc giả, cho đến khi chúng tôi ra trang Web này, tôi cũng lại có lời mong muốn được cung cấp thông tin về mộ Sư tổ và gia đình của Người. Thông qua trang web, chúng tôi cũng có một vài hy vọng sau khi trao đổi với một võ đường thuộc nhánh của sư tổ Nguyễn Kỳ Sơn - em ruột của sư tổ Tế Công - ở Cộng hòa Séc. Chúng tôi cũng đã gửi thư (email), gửi tin tới một số địa chỉ ở Trung Quốc mà chúng tôi được biết, song nhiều tháng qua vẫn chưa có hồi âm. Như người đời thường nói: "Tâm xuất, Phật biết", có thể tâm nguyện của tôi trong những năm qua đã được thấu, và rồi cơ duyên đã dẫn dắt tôi đến quen biết với võ sư - lương y Nguyễn Đăng Quang ở TP Hồ Chí Minh (Người đã nổi danh trong những năm trước 1975). Trong một lần chuyện trò, tôi có hỏi anh về mộ và người thân của Sư tổ Nguyễn Tế Công, anh Quang đã cho biết là có thể biết được qua người em của cố võ sư Lục Viễn Khai - sư phụ của anh Quang. Tôi đã nhờ anh và anh Quang đã nhận lời, nhanh chóng hỏi giúp địa chỉ của người con trai của Sư tổ, cũng như qua đó hỏi được mộ của Sư tổ. Ngay sau khi được anh Quang điện ra cho biết, tôi mừng khôn tả và cũng vô cùng xúc động. Đã 24 năm qua, ngay sau khi sư phụ tôi qua đời, tôi đã lập ban thờ để thờ môn phái, thờ Sư tổ Nguyễn Tế Công, thờ sư phụ. Thắp nén hương ở ban thờ mà không biết khấn Sư tổ ở đâu. Sau bao năm tìm kiếm, đến nay ý nguyện mới thành.
Tin vui đến với tôi vào vài ngày trước khi tôi cho khai giảng lớp thứ hai ở võ đường. Tôi đã quyết định phải bay vào ngay, do đó, ngay sau khi khai giảng lớp thứ hai ở võ đường xong lúc 19:00 tối , tôi đã đi máy bay chuyến đêm lúc 22:00 (27/9/2005) để vào TP Hồ Chí Minh. Đi với tôi có anh Trần Thanh Ngọc, trường tràng của võ đường, thay mặt các học trò của tôi đi cùng thầy.
Sáng hôm sau (28/9/2005), theo chỉ dẫn của anh Quang, thầy trò tôi đã đến nơi anh Quang làm việc, thật vui khi gặp anh. Đến trưa, thầy trò tôi cùng anh Quang đã đến nhà con trai của Sư tổ. Thật xúc động và sững sờ khi gặp anh Nguyễn Chí Thành - con trai Sư tổ - vì anh Thành giống Sư tổ như đúc, từ khuôn mặt đến dáng người (người đứng giữa, tức thứ ba từ trái sang trong ảnh). Qua thăm hỏi, chuyện trò và bày tỏ nguyện vọng của thầy trò tôi, anh Thành đã cho phép tôi làm lễ tại ban thờ gia tiên ở nhà anh để xin phép Sư tổ cho lên mộ Người. Đến hơn 13:30, anh Thành đã dẫn thầy trò tôi và anh Quang (người đứng thứ hai từ trái sang trong ảnh) lên thăm mộ Sư tổ ở nghĩa trang Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương). Đến trước mộ Người, tôi vô cùng xúc động. Sư tổ nằm đó, ngôi mộ bình dị như hàng trăm ngôi mộ khác trong khu mộ của Người ở nghĩa trang. Sư tổ - một con người với tâm đức của mình đã được truyền thụ những tinh hoa, những tuyệt kỹ của môn phái Vĩnh Xuân. Và cũng với tâm huyết của mình, Người đã truyền dạy lại những điều đã học được cho các học trò của mình, và còn được lưu lại cho các hậu duệ tới ngày nay.
Sáng ngày tiếp theo (29/9/2005), khi gặp lại anh Thành, tôi đã bày tỏ mong ước của mình được tu bổ thêm cho mộ Sư tổ. Trước những tình cảm chân thành của chúng tôi, anh Thành đã cho phép chúng tôi được sửa sang đôi chút mộ của Sư tổ và mộ của Sư tổ mẫu, và quan trọng là được anh cho phép gắn ảnh của Sư tổ lên mộ Người. Tôi hy vọng rằng, từ nay trở đi các huynh đệ đồng môn, các hậu duệ của Người, khi có dịp đến nghĩa trang Lái Thiêu để thắp nén hương tưởng nhớ Người, không còn phải tìm lâu. Mong sao từ nay trở đi, mộ của Người sẽ được thường xuyên ấm cúng bằng tình cảm của các hậu duệ của Người. Điều này, tôi nghĩ, cũng sẽ an ủi được anh Thành, con trai của Người, về những điều vô cùng quí giá của môn phái Vĩnh Xuân mà người cha của anh - Sư tổ Nguyễn Tế Công - đã đem lại cho người Việt Nam chúng ta, cho hậu duệ chúng ta.
Đã nhiều năm nay, chúng ta chưa có điều kiện để thực hiện trách nhiệm của hậu duệ đối với Sư tổ. Tôi nghĩ từ nay trở đi, chúng ta hứa sẽ luôn làm ấm áp mộ Người. Để Người nhìn thấy sự hưng thịnh của môn phái qua chúng ta, cũng như để Người được đón nhận những tình cảm chân thành của chúng ta đối với Người.
Trong 6 ngày thầy trò tôi ở TP Hồ Chí Minh, sau những lúc lên thăm viếng, và chuẩn bị, tiến hành tu bổ mộ Sư tổ , sau những lúc trò chuyện, tâm sự cùng anh Nguyễn Chí Thành , tôi đã gặp và trò chuyện cùng võ sư Lục Hà Kim (em trai cố võ sư Lục Viễn Khai), võ sư Nguyễn Đăng Quang (học trò của cố võ sư Lục Viễn Khai), võ sư Hồ Nam Long (học trò của cố võ sư Hồ Hải Long). Những câu chuyện chân thành cởi mở cũng đã giúp tôi hiểu thêm về những hoạt động của môn Vĩnh Xuân ở TP Hồ Chí Minh trước đây (trước khi Sư tổ mất, trước 1975) và sau này.
Trong niềm xúc động chân thành đến lúc này vẫn chưa nguôi ngoai, tôi xin được chia sẻ cùng các huynh đệ đồng môn, các hậu duệ của Sư tổ, cùng các bạn yêu quí môn Vĩnh Xuân, yêu quý nhánh Vĩnh Xuân của Sư tổ chúng tôi. Tôi xin được cầu chúc cho môn phái Vĩnh Xuân phát triển và hưng thịnh. Cầu mong Sư tổ phù hộ cho các hậu duệ của Người có đủ đức tài để góp phần làm vẻ vang cho môn phái Vĩnh Xuân, rạng rỡ tên tuổi của Người cũng như của các Tôn sư.
[Bài đã đăng tại Tạp chí Ngày Nay, số Tết Bính Tuất dưới nhan đề "Chuyện cảm động của người đi tìm cội"]
Hà Nội, Ngày 06 tháng 10 năm 2005
Chủ nhiệm - Võ sư trưởng võ đường VNVXNGQ
Võ sư - Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo