SỰ NHÌN NHẬN VỀ TÍNH PHẬT TRONG VÕ THUẬT CŨNG NHƯ TRONG VĨNH XUÂN NỘI GIA

Cách đây nửa tiếng, tôi vừa xem xong chương trình Tinh hoa võ thuật trên Truyền hình An Viên (chương trình bắt đầu lúc 20h30’) trong đó chương trình có phát một số nội dung tôi chia sẻ về Đạo Phật với võ thuật được chương trình quay hôm 25/8/2020 vừa qua.
Khi được chương trình Tinh hoa võ thuật trên Truyền hình An Viên đặt vấn đề muốn tôi trao đổi chia sẻ về nội dung Đạo Phật trong võ thuật, tôi nhận thấy đây là một điều rất có ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống võ thuật hiện nay, cho nên tôi đã nhận lời. Thời gian và những điều tôi trao đổi được quay khá dài, song tôi hiểu do thời lượng phát sóng có hạn, chắc chắn nhiều điều tôi trao đổi sẽ không được thể hiện trong chương trình, trong khi với cá nhân tôi, tôi thấy đây là một nội dung có ý nghĩa rất sâu sắc. Chính vì vậy, sau khi chương trình quay xong, tôi đã nhớ lại các nội dung đã trao đổi và viết lại, cùng với việc bổ sung thêm một số nội dung mà tôi muốn làm rõ thêm về những nội dung mà mình đã trao đổi. Hôm nay tôi xin phép được hoàn thiện lại bài viết này để chia sẻ cùng các bạn. Hy vọng các bạn có thể hiểu thêm những suy nghĩ của tôi về vấn đề tôi đưa ra. Thực tế trong những năm qua, tôi cũng đã có một số bài viết liên quan đến lĩnh vực này trên trang Web của võ đường và trang FB cá nhân của tôi.
Tôi chính thức bắt đầu theo thầy học võ từ năm 1966 ở quê nhà, sau khi gia đình tôi về quê sơ tán năm 1965.
Lúc đó tôi chưa hề có chút hiểu biết gì về Đạo Phật. Tuy nhiên khi nghĩ lại, tôi thấy như mình đã có cơ duyên với Đạo Phật từ khi bước vào nghiệp võ. Lúc mới đi tập, tôi chỉ nghe người anh họ tôi nói đây là võ Tầu. Trong quá trình theo thầy tập, tôi có hỏi thầy kỹ hơn thì được biết đây là môn Thiếu Lâm của Trung Quốc. Đồng thời tôi cũng được thầy nói cho biết học võ là có Nghiệp chướng, đừng có đánh nhau bừa bãi, hại người gây tội, gây nghiệp chướng, tập chỉ để giữ mình thôi. Chỉ bấy nhiêu lời khuyên ấy thôi, nhưng từ đó đã trở thành kim chỉ nam cho tôi trong suốt hơn 50 năm qua trên đường võ thuật. Đây cũng là những điều mà tôi đã ghi lại ngay trang đầu cuốn sổ tay võ thuật của tôi (tôi lấy tên là PHÒNG THÂN VŨ THUẬT) ghi về những công phu tôi đã học môn Thiếu Lâm trong gần 8 năm (Trong gần 8 năm này, tôi học môn Thiếu Lâm bắt đầu từ một người anh họ, rồi tới một người thầy ở trong làng và sau đó tôi học một người thầy ở xã trên). Đến năm 1973, do việc đi lại xa xôi, nên tôi xin nghỉ tập. Tôi bắt đầu chuyển sang tập YOGA. Thời gian đầu tôi tập theo Yoga thể dục (tên gọi đúng là Hatha Yoga), sau đó tôi chuyển sang tập Yoga Thiền định (Raja Yoga). Đây là quãng thời gian tôi bắt đầu chú ý đến Đạo Phật thông qua nghiên cứu phương pháp Thiền của Đạo Phật. Vì qua tìm hiểu, tôi nhận thấy hai phương pháp Thiền của Yoga và Thiền của Đạo Phật có rất nhiều điểm tương đồng. Năm 1976, tôi đã rất may mắn sưu tầm được nhiều sách về Đạo Phật, về Yoga, về võ thuật... qua chuyến đi thăm Sài Gòn cùng cơ quan của tôi. Qua đó, tôi đặt tâm tìm hiểu về Đạo Phật qua các sách tôi mua được. Hiện tôi may mắn còn giữ được một số cuốn đã mua từ thời điểm đó sau mấy lần các tủ sách, giá sách bị mối xông. Tôi bị mối ăn mất rất nhiều cuốn sách quý về Đạo Phật, về Yoga, về võ thuật và về một số lĩnh vực khác mà tôi quan tâm.
Trên thực tế, theo sự nhìn nhận, tìm hiểu của tôi, tôi phải khẳng định tính Phật đã có trong võ thuật từ hàng nghìn năm qua, từ khi hình thành môn phái Thiếu Lâm tại chùa Thiếu Lâm – Trung Quốc. Nếu xem xét một cách sâu xa nhất, một cách chính xác nhất, thì phải nói: NHỜ CÓ ĐẠO PHẬT TRUYỀN VÀO TRUNG HOA MÀ TỪ ĐÓ DẦN CÓ ĐƯỢC NHỮNG HỆ THỐNG QUYỀN THUẬT VÔ CÙNG PHONG PHÚ, SÂU SẮC, TINH DIỆU TRÊN NHIỀU MẶT NHƯ HIỆN NAY. Khi Đức Phật Sư Tổ Bồ Đề Đạt Ma, Phật Tổ đời thứ 28 tính từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sang Trung Hoa truyền đạo (vào khoảng cuối thế kỷ thứ IV, đầu thế kỷ thứ V), Người đã trở thành Sơ tổ Thiền tông Trung Hoa. Tại chùa Thiếu Lâm, Người đã dạy cho các môn đệ của chùa tập các bài tập dưỡng sinh cao cấp như Dịch Cân kinh, Tẩy Tủy Kinh cũng như các bài võ, thế võ để các môn đệ có sức khỏe tu hành và có bản lĩnh để bảo vệ chùa, bảo vệ bản thân khi đi kinh hành, đi truyền giáo, trước những sự uy hiếp của thú dữ, của giặc cướp. Qua tìm hiểu, tôi được biết Đức Phật Sư Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã xây dựng nên nền tảng ban đầu của hệ thống quyền thuật Thiếu Lâm từ những bài võ, thế võ Người học được từ trong cuộc sống của người dân Ấn Độ để bảo vệ mình trên con đường truyền đạo. Từ đây đã hình thành môn Thiếu Lâm, ngôi sao Bắc đẩu của võ thuật thế giới, cội nguồn của rất nhiều môn phái võ trong đó có môn Vĩnh Xuân. Trong tất cả những bài võ, thế võ đó đều chứa đựng tính Phật sâu sắc, lấy tự vệ làm đầu và không bao giờ sử dụng để đánh người. Trải qua thời gian, xuất phát từ những mục đích riêng, nhiều môn phái võ đã bỏ đi tính Phật trong võ, dẫn đến thay đổi bản chất môn võ của họ. Họ đã không còn quan tâm đến triết lý Phật giáo trong võ thuật mà chỉ lấy tính chiến đấu, chiến thắng đối thủ làm mục tiêu cơ bản cho quá trình tập luyện, quên đi việc “phải chiến thắng chính bản thân mình, trước khi nghĩ đến thắng người”. Việc đạt được chiến thắng khi thực thi quyền thuật chỉ là một mặt (tất nhiên là thiết yếu) trong việc tập luyện và thực hành võ thuật mà thôi. Điều quan trọng bậc nhất hiện nay là thông qua tập luyện võ thuật để làm chủ được bản thân (chiến thắng chính bản thân mình), xây dựng cho mình một bản lĩnh trước cuộc sống. Tôi vẫn nói với các học trò của mình: “Đừng nghĩ gì cao xa trong quá trình tập luyện. Hãy phải hiểu học võ chính là học điều khiển chân tay mình, tâm ý của mình theo đúng được ý của mình. Khi đưa tay chân của mình vào thế võ, chính là mình đang đánh võ”.
Như tôi đã viết ở trên: ngay từ khi bắt đầu tập võ, từ trong tâm tôi đã thấm lời khuyên: tập võ để giữ mình thôi, đừng đánh nhau bừa bãi mà tạo nghiệp chướng, rồi chuốc khổ vào người. Và rồi dần tôi hiểu đây chính là chữ KHIÊM, chữ NHẪN, mà người học võ phải biết, phải theo; là chữ NGHIỆP mà người học võ phải giữ gìn để tránh tạo ra nghiệp xấu cho bản thân. Dần dần tôi hiểu đây cũng là điều Phật dạy chúng sinh phải biết tu tâm, hãy chiến thắng chính bản thân mình trước và đừng làm hại người. Đặc biệt khi tôi đến với Vĩnh Xuân, được sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển nói về nguồn gốc của môn phái, tên gọi thể hiện môn võ của nhà Phật: VĨNH XUÂN PHẬT GIA, nói về tính Phật qua các bài quyền, đòn thế (Vĩnh Xuân không có đòn đánh trước), nói về các phương pháp tu tập của môn (mang nặng tính Thiền), tôi càng thấm nhuần tính Phật trong môn Vĩnh Xuân. Qua đó tôi càng khẳng định: Tính Phật đã có trong võ từ hàng nghìn năm qua, từ khi Đức Phật Sư Tổ Bồ Đề Đạt Ma xây dựng nên môn phái Thiếu Lâm. Do đó tôi kiên định đi theo bản chất Phật tính trong công phu Vĩnh Xuân trong cả quá trình theo sư phụ tôi tu tập cũng như trong suốt quá trình truyền dạy VXNG trong hơn 40 năm qua (tôi chính thức truyền dạy môn Vĩnh Xuân cho người học trò đầu tiên của tôi, anh Trần Thanh Ngọc, từ tháng 5 năm 1980. Anh Ngọc hiện nay thay tôi làm Chủ nhiệm Võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội Gia Quyền).
Thực tế trong cuộc sống không phải ai đi tập võ cũng nghĩ đến trong võ có tính Phật. Bản thân Võ đường của thầy trò chúng tôi cũng có giai đoạn trầm lắng vì số người theo tập giảm. Bởi không ít người theo tập không thích hợp với nguyên tắc và phương pháp tập luyện của Vĩnh Xuân Nội gia: LẤY LỎNG MỀM ĐỂ THỂ HIỆN QUYỀN THUẬT, LẤY KHÍ LÀM NGUỒN LỰC, LẤY CẬN CHIẾN LÀM PHƯƠNG CHÂM ỨNG XỬ. Họ cho rằng, tập thế không thể đánh được ai, trong khi Quy chế Võ đường của thầy trò chúng tôi lại cấm thử (kể cả thử với nhau trong võ đường). Điều 6 trong Quy chế của võ đường ghi rõ: “Võ đường “Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền” hoạt động với tinh thần “tự vệ là chính”, “giữ được mình tức là thắng được người”. Do đó nghiêm cấm các thành viên võ đường giao đấu với các thành phần bên ngoài võ đường. Các thành viên võ đường chỉ được phép sử dụng công phu đã học để tự vệ (khi bị uy hiếp đến tính mạng) và bảo vệ người khác (khi người đó bị uy hiếp đến tính mạng) trong trường hợp chính đáng. Tại võ đường, các thành viên chỉ được luyện tập giao đấu dưới sự hướng dẫn và giám sát của các võ sư, các huấn luyện viên”. Đây cũng là một biểu hiện của TÍNH PHẬT TRONG VĨNH XUÂN NỘI GIA của thầy trò chúng tôi. Đã có thời gian một vài anh em học trò của tôi có đưa ra ý kiến xin tôi nên dạy khác đi truyền thống, cho học đòn thế để có thể đánh nhau được ngay (được gọi là thực chiến), hy vọng sẽ có nhiều người theo học. Song tôi kiên quyết gạt đi, và khẳng định: ai biết đến Vĩnh Xuân Nội gia và có duyên với VXNG thì theo học, không có duyên thì thôi, không vì muốn có người tập mà phải thay đổi nguyên tắc và phương pháp tập luyện thuộc về bản chất của bản môn. Với những kết quả hiện nay của Võ đường, đã chứng minh cho tính tốt đẹp của phương pháp tu tập, truyền dạy mà tôi đã kiên định đi theo trong suốt hơn 40 năm gắn bó với Vĩnh Xuân: Giữ tính Phật trong Vĩnh Xuân Nội gia.
Tôi xây dựng Tiêu chí của Võ đường là: SỨC KHỎE, BẢN LĨNH & TRÍ TUỆ. Đây là định hướng phấn đấu cho tất cả các thành viên của võ đường từ các môn sinh mới đến các võ sư, huấn luyện viên. Trước hết phải có sức khỏe từ bên trong ra đến bên ngoài cơ thể. Xây dựng Bản lĩnh ở đây chính là khả năng thực hiện tốt các công phu Vĩnh Xuân Nội gia đã được học để tự vệ khi cấn thiết cũng như có được bản lĩnh, tự tin trước mọi tình huống trong cuộc sống. Tôi yêu cầu tất cả các thành viên trong Võ đường phải tuân thủ Quy chế của Võ đường và kiên quyết cho nghỉ tập ở Võ đường đối với những người không tuân thủ quy chế của võ đường. Thực hiện như vậy chính là giữ được tính Phật trong công phu của môn phái.
Trong một bài viết năm 2007, bài “Tính Phật trong võ thuật và trong võ phái Vĩnh Xuân Nội gia” (đã được Đăng tại Tạp chí Thế Giới Mới, No-736, ngày 28/5/2007 dưới nhan đề “Tính Phật Trong Võ Thuật” ), tôi đã viết: “Đi học võ, nhiều người chăm chú đến việc xây dựng cho mình khả năng tự vệ hoặc chiến đấu (vì các mục đích khác nhau). Song nếu ta không nghĩ đến tính Phật trong võ, tức là ta đã bỏ đi hơn phân nửa giá trị thực của võ. Thậm chí ta bỏ đi phần gốc mà chỉ học phần ngọn, xa rời nền tảng đạo lý võ thuật… Phải xác định ngay từ buổi đầu tiên phương châm: “giữ được mình tức là thắng được người”, lấy tự vệ là chính. Như vậy sẽ học được nhiều nhất, sâu nhất, chắc chắn nhất, bền vững nhất, thành công nhất… Đó mới là cái gốc của võ thuật”.
Trong bài viết này, tôi xin được chia sẻ điều mà người biên tập chương trình có hỏi tôi: “Đã bao giờ thầy cảm thấy tức giận khi người ta nói rằng võ của thầy thiếu tính thực chiến, không gọi là võ?”. Tôi xin thay mặt các học trò của mình trả lời rằng: thầy trò chúng tôi chưa bao giờ khó chịu chứ đừng nói đến tức giận khi nghe ai đó chê công phu của Vĩnh Xuân Nội gia. Đối với tôi, đây cũng là sự thực hành Hỷ - Xả theo lời dạy của Đức Phật và đây cũng là thực hành chữ “buông”, một từ quan trọng không chỉ trong quá trình tu tập VXNG của thầy trò chúng tôi. Tôi quán triệt cho học trò của mình, bên cạnh việc giữ tính Phật trong bản môn, việc tập luyện là cho chính mình, không tập cho ai khác, không tập để lấy danh, ai biết về công phu của mình cũng được, không biết cũng không sao. Trên thực tế, thầy trò chúng tôi cũng thể hiện rất ít ra bên ngoài những công phu của VXNG. Ngày 25/8/2020 vừa qua, lần đầu tiên sau hơn 40 năm tu tập và truyền dạy VXNG, khi đã qua tuổi “thất thập”, tôi đã đồng ý cho ghi hình tôi đánh một số đòn thế trong bộ Ngũ hình quyền và thị phạm cách sử dụng đòn thế sao cho giảm bớt tính nguy hiểm khi ra đòn, đồng thời cũng là lần đầu tiên tôi cho quay học trò tôi đánh bài 108 Mộc nhân, cho dù chỉ với mấy đòn trong bài. Tôi xin thành tâm tạ tội với Sư tổ Nguyễn Tế Công và sư phụ mình về việc làm này. Lời người xưa dạy, tôi luôn ghi nhớ trong lòng để nhắc nhở mình cũng như nhắc nhở các học trò của tôi: “Con chim chết vì mồi, con người chết vì danh”. Hạnh phúc khi mình có được công phu VXNG là để mình hưởng chứ không dành cho ai hết. Chỉ thầy trò chúng tôi hiểu giá trị hữu dụng của công phu của bản môn là đủ, không cần ai khác hiểu. Cho nên thầy trò chúng tôi không quan tâm đến nhận xét của bên ngoài võ đường về công phu của VXNG của thầy trò chúng tôi. Thầy trò chúng tôi chỉ biết chuyên cần tập luyện trong lòng tin sâu sắc tới công phu của VXNG đã được truyền lại từ Sư tổ Nguyễn Tế Công, tới sư phụ Trần Thúc Tiển của tôi, tới tôi và tới các học trò của tôi.
Thầy trò chúng tôi thật hạnh phúc được đi trên con đường VXNG. Thực hiện tính Phật trong môn phái VXNG, chính là chúng tôi đang giúp cho cuộc sống của mình thêm thiện lương và phấn đấu làm theo được lời Phật dạy: “Không làm việc ác, Làm những việc thiện, Thanh lọc tâm”. Do đó thầy trò chúng tôi kiên định thực hiện tính Phật trong công phu của bản môn, tuân thủ triệt để phương châm: “giữ được mình tức là thắng được người”, lấy tự vệ là chính, kiên định đi theo tiêu chí của võ đường SỨC KHỎE, BẢN LĨNH & TRÍ TUỆ. Qua đó giúp cho thầy trò chúng tôi học cái gốc của võ thuật, từ đó sẽ lĩnh hội được “nhiều nhất, sâu nhất, chắc chắn nhất, bền vững nhất, thành công nhất” trên con đường Vĩnh Xuân Nội gia.
Hà Nội ngày 28 tháng 8 năm 2020
Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo