CHUYỆN BÂY GIỜ VÀ CHUYỆN CỦA NGÀY XƯA

Cách đây hai ngày, có một người hỏi tôi, với 2 ý, vừa như vui, vừa như thật:
+ Thấy thầy viết là đã VỀ GIÀ, không biết lúc nào thầy “rửa tay, gác kiếm”?
+ Thầy đã truyền lại cho các học trò của thầy hết các công phu, bí kíp thầy học được chưa? Thầy không nghĩ sẽ “mang đi” đấy chứ?
Tôi cũng trả lời vừa vui vừa thật (đại ý): Tôi sẽ còn dạy đến khi nào không nói được mới thôi. Và đến lúc này (tháng 10/2021), tôi có thể nói với mọi người: về cơ bản tôi truyền lại hầu hết cho các trò của mình những công phu, bí kíp tôi đã được sư phụ Trần Thúc Tiển của tôi truyền cho, đặc biệt là phần luyện công. Tuy nhiên để hoàn thiện những công phu này được như tôi hiện nay, các trò của tôi cũng còn cần phải có thêm thời gian cũng như phải luôn đặt tâm kiên trì phấn đấu tập luyện.
Tôi đã nguyện noi theo tấm gương của Sư tổ Nguyễn Tế Công và của sư phụ Trần Thúc Tiển của tôi trên bước đường truyền dạy Vĩnh Xuân Nội gia.
Những bức ảnh Sư tổ Nguyễn Tế Công với Mộc nhân mà nhiều người đang có, được chụp trước khi Sư tổ mất khoảng 3 tháng (chụp sau Tết Kỷ Hợi - 1959). Anh Nguyễn Chí Thành, con trai Sư tổ cho biết, hai năm cuối trong cuộc đời Sư tổ, khi đó Sư tổ 80 tuổi, vì hoàn cảnh của cuộc sống sau khi di chuyển vào Nam (đầu năm 1955) có nhiều khó khăn, sức khỏe của Sư tổ cũng giảm sút nhiều. Sư thúc Nguyễn Bá Khả của tôi khi thấy sức khỏe của sư phụ (Sư tổ Nguyễn Tế Công) suy giảm, đã xin Sư tổ cho chụp lại những hình ảnh Sư tổ với Mộc nhân. Mặc dù Sư tổ lúc đó đã khá yếu, và (có lẽ) Sư tổ cũng muốn lưu lại một số hình ảnh của bài quyền cao cấp đánh với Mộc nhân, nên Sư tổ đã nhận lời. Thực tế có những bức ảnh Sư tổ chỉ có thể để tay vào Mộc nhân để tạo hình thế. Song đó là bộ ảnh vô giá đối với các hậu duệ của Người, vì đó là bộ ảnh duy nhất về Sư tổ thể hiện công phu. Những hậu duệ của Sư tổ phải rất biết ơn cố võ sư Nguyễn Bá Khả. Nhờ có cố võ sư Nguyễn Bá Khả mà chúng ta mới có được bộ ảnh vô giá này.
Mấy năm cuối trong cuộc đời của sư phụ Trần Thúc Tiển của tôi, sức khỏe của sư phụ tôi giảm sút nhiều, không thể vào tay trực tiếp dạy quyền được. Mấy sư huynh của tôi, dù đã được sư phụ dạy thành công nội công, song do hoàn cảnh công việc và lại ở xa, cho nên không đến được Võ đường. Do vậy không có ai dạy thay sư phụ, dẫn đến các học trò của sư phụ cũng nghỉ dần. Đến cuối năm 1978, chỉ còn tôi và mấy người theo tập. Sang đầu năm 1979 thì chỉ còn lại một mình tôi đến tập. Lúc đó sư phụ tôi cho phép tôi cứ lúc nào rỗi thì đến với sư phụ, không phải như trước, hai buổi một tuần. Trong một, hai bài viết trước đây, tôi cũng đã nói đến có những hôm sư phụ tôi mệt, tôi đến tập, sư phụ tôi bảo tôi lấy ghế ngồi với sư phụ để sư phụ ngồi dạy linh giác cho tôi. Có những bài quyền, sư phụ ngồi hướng dẫn, chỉ từng thế tay, thế chân để cho tôi tập... Có nhiều hôm sư phụ ngồi giảng giải cho tôi từng phương pháp, từng yếu quyết, từng bí kíp… của bản môn, để tôi luyện và sau đó sư phụ kiểm tra, chỉnh sửa. Rồi có những hôm sư phụ ngồi kể cho tôi nghe những chuyện về Sư tổ, về việc học với Sư tổ và cả chuyện sư phụ dạy các trò, chuyện về các trò. Có những hôm tôi nghỉ làm, tôi tới ban ngày, sư phụ bảo tôi đưa sư phụ ra Bờ Hồ ngồi thở và nói về công phu cũng như những chuyện ngày xưa với tôi. Như các bạn cũng biết: tuổi già “nhớ xa, quên gần “, ai rồi cũng sẽ như vậy. Chính vì thế tôi mới trả lời người hỏi tôi về việc dạy của tôi khi đã già là tôi chỉ thôi dạy khi mình không còn nói được, và cũng phải nói thêm là nếu còn có người theo tập. Đó chính là tôi làm theo cách sư phụ tôi đã dạy tôi trong những khi sư phụ tôi mệt không thể đứng được.
Tuy nhiên, về lâu dài, tôi cũng đã nhìn nhận được việc phải giao lại trách nhiệm trong việc duy trì và phát triển võ đường cho những học trò kế cận của mình. Cụ thể ở Việt Nam, tôi đã giao cho người học trò tâm huyết của tôi, người học trò đầu tiên trên con đường truyền dạy Vĩnh Xuân Nội gia của tôi, đã gắn bó với tôi từ năm 1980, võ sư Trần Thanh Ngọc làm Chủ nhiệm Võ đường Vĩnh Xuân Nội gia. Và ở Ba Lan, Ban điều hành Võ đường Đại Nghĩa VXNG tại Ba Lan điều hành mọi hoạt động của Võ đường. Ban Điều hành hiện nay do võ sư Nguyễn Văn Oanh phụ trách. Trước đây do anh Trương Anh Tuấn làm Trưởng ban, nhưng hiện nay do bệnh tật, nên anh Tuấn phải tạm nghỉ để chữa trị. Anh Trương Anh Tuấn là người đã mời tôi sang Ba Lan để truyền dạy Vĩnh Xuân Nội gia và là người đã cùng tôi thành lập ra Võ đường Đại Nghĩa VXNG tại Ba Lan, đồng thời cũng là người học trò đầu tiên tôi truyền dạy thành công Vĩnh Xuân Nội gia, võ sư đầu tiên của Võ đường Đại Nghĩa VXNG trên đất nước Ba Lan. Võ sư Nguyễn Văn Oanh là lớp võ sư thứ hai, sau võ sư Trương Anh Tuấn.
Nhắc lại những chuyện xưa, nói về sự tâm huyết trong truyền dạy của Sư tổ Nguyễn Tế Công và sư phụ Trần Thúc Tiển của tôi để mọi người hiểu tôi phải cố gắng bằng tất cả khả năng của mình đi theo tấm gương của Sư tổ và sư phụ tôi trong việc giữ gìn các công phu của môn phái cũng như truyền lại cho các thế hệ sau. Và cũng để mọi người thấy được trong Vĩnh Xuân Nội gia của chúng tôi, nội khí và nội lực luôn tiềm tàng trong cơ thể, luôn thâm hậu, cho dù về mặt cấu tạo của cơ thể có bị già đi theo Quy luật tự nhiên qua tuổi tác hoặc bệnh tật mà không ai có thể cưỡng lại được.
Đôi dòng chia sẻ, hy vọng mọi người hiểu thêm về Vĩnh Xuân Nội gia của thầy trò chúng tôi.
Tôi chân thành cám ơn và biết ơn mọi người đã quan tâm, động viên, ủng hộ thầy trò chúng tôi trên con đường Vĩnh Xuân Nội gia.
Warszawa ngày 08/10/2021
Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo