MỘT SỰ THÀNH CÔNG KỲ DIỆU TRÊN CON ĐƯỜNG TẬP LUYỆN VĨNH XUÂN NỘI GIA

Trong những sự thành công của các võ sư trong Võ đường Vĩnh Xuân Nội gia của thầy trò chúng tôi ở cả Ba Lan và Việt Nam, sự thành công của võ sư Vũ Anh Tuấn là một trường hợp thật kỳ diệu. Trên thực tế ở Võ đường Đại Nghĩa VXNG, trong những năm qua, cũng không ít những người đã có sự cải thiện quan trọng, tốt lên cho sức khỏe cũng như giảm bệnh tật sau một thời gian theo tập Vĩnh Xuân Nội gia. Bản thân tôi rất tin vào những điều vô cùng hữu ích, thậm chí là kỳ diệu mà Vĩnh Xuân Nội gia đem lại cho người tập luyện. Sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển trước khi gặp Sư tổ Nguyễn Tế Công, đã bị bệnh lao cấp độ 4. Nhờ sự truyền dạy công phu VXNG cũng như hướng dẫn cho những cách thở của Sư tổ, sư phụ tôi đã không những khỏi bệnh lao mà còn tập được Nội công thượng thừa. Sư phụ tôi có thể dạy suốt ngày, để cho những học trò to khỏe, thậm chí đã học nhiều năm những môn võ khác đánh vào người mà không hề sao. Với trường hợp anh Vũ Anh Tuấn, những người đã quen biết anh Vũ Anh Tuấn trong nhiều năm qua, biết bệnh tình của anh, đều thật sự ngỡ ngàng trước sự thành công của anh. Ông Ryszard Murad, Chủ tịch Hội Quý tộc Ba Lan, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật và Thể thao chiến đấu Châu Á-Ba Lan, ngồi tham dự buổi lễ hôm qua, khi nghe dịch lại (chỉ là đôi nét cơ bản) cũng thấy ngỡ ngàng trước kết quả tập luyện của anh Vũ Anh Tuấn, và ông đã đề nghị tôi viết một bài về anh Vũ Anh Tuấn gửi cho ông ấy để đưa lên trang web của Liên đoàn.
Anh Vũ Anh Tuấn đến Võ đường Đại Nghĩa VXNG theo tập vào quãng giữa năm 2009. Anh Vũ Anh Tuấn đến tập khi nghe theo lời khuyên của anh Nguyễn Văn Oanh (anh Oanh hiện là võ sư của Võ đường Đại Nghĩa Vĩnh Xuân Nội gia), người hàng xóm thân thiết của anh Vũ Anh Tuấn. Khi đó anh Vũ Anh Tuấn mang trong người khá nhiều bệnh, nhiều chứng viêm, và bị bệnh Gút hàng chục năm, ăn uống, sinh hoạt rất kiêng khem, thậm chí phải ăn riêng. Theo tập được một thời gian ngắn, công phu chưa kịp ngấm vào người, trong một lần lên mái nhà cào tuyết, anh đã bị ngã xuống đất. Đi khám , chụp phim, xương sống bị chùn 1cm. Anh Vũ Anh Tuấn phải nghỉ tập và phải đeo đai hỗ trợ trong sinh hoạt. Sau hơn một năm phải nghỉ, khoảng giữa năm 2012, dù bệnh không đỡ, song anh cũng đã quay trở lại võ đường theo tập. Trong quá trình tập, anh Vũ Anh Tuấn gặp rất nhiều khó khăn vì đau xương sống, trong buổi tập vừa tập vừa nghỉ liên tục. Song với lòng tin sâu sắc vào công phu của môn phái, anh đã rất quyết tâm, khắc phục mọi khó khăn, kiên trì, cần mẫn theo tập luyện. Tôi rất vui mừng trước những tiến bộ qua từng năm tháng một cách vững chắc của anh Vũ Anh Tuấn trong tập luyện. Từ lúc tập độ 15’ là phải nghỉ và phải ngồi trên ghế cao, giờ đây anh Vũ Anh Tuấn đã ngồi kiết già để tập luyện một cách thỏa mái. Tôi tin lòng tin của anh Vũ Anh Tuấn vào công phu của môn phái đã được các Sư tổ chứng giám và đã được các Sư tổ trợ duyên trong tập luyện để giờ đây anh đã không chỉ trở thành người Thầy trong môn phái Vĩnh Xuân Nội gia mà bệnh tật đã không còn tác động được tới cơ thể anh. Anh Vũ Anh Tuấn đã không còn phải kiêng khem như trước đây, mọi sinh hoạt đã trở về bình thường.
Trong bài viết hôm qua, tôi cũng đã nói về anh Vũ Anh Tuấn. Song từ ý kiến đề nghị tôi viết một bài về anh Vũ Anh Tuấn của ông Ryszard Murad, tôi nghĩ cũng nên viết lại để mọi người hiểu thêm về sự kỳ diệu của môn Vĩnh Xuân Nội gia đem lại cho người tập. Tập Vĩnh Xuân Nội gia không chỉ có được BẢN LĨNH, khả năng tự vệ hữu hiệu, mà còn đem lại SỨC KHỎE rất tốt cho bản thân người tập, thuyên giảm và khỏi được nhiều bệnh tật, trong đó có cả sự nâng cao TRÍ TUỆ.

Nhân nói về những điều kỳ diệu mà VXNG đem lại cho người tập, tôi cũng xin nói thêm về việc dạy và tập bài quyền cao cấp 108 tại chỗ của VXNG để các bạn hiểu thêm. Bài 108 tại chỗ có 108 thế với 151 đòn. Khi vào tay đánh với thầy bài này, các học trò của tôi đánh khoảng trên dưới 50” đến 1 phút hết bài (một vòng). Với một bài đánh như vậy, người tập phải đánh vào người thầy 36 đòn quyền (đấm, chặt, đánh chưởng) và có thể thêm 6 đòn gối. Một lần vào tay, người tập thường đánh trong vòng 15’, có những trường hợp đánh liên tục tới trên dưới 25’. Như vậy, bình thường vào tay 15’, người tập phải đánh 15 - 18 vòng với 2.500 đòn, với tốc độ bình quân khoảng 3 đòn trong 1 giây. Và với thời gian cho vào tay như vậy, người thầy (người dạy) phải chịu khoảng trên dưới 700 đòn đánh vào người. Năm 2005, khi trả lời phóng viên chương trình “Những chuyện lạ Việt Nam”, tôi cũng đã cho biết như vậy. Các bạn có thể kiểm chứng qua các video việc tập và dạy bài 108 tại chỗ tôi đã đưa lên trên FB trong thời gian qua.
Với những điều trao đổi như trên, tôi cũng muốn các bạn hiểu thêm về một số công phu và những điều hữu ích đối với người tập trong môn Vĩnh Xuân Nội gia của thầy trò chúng tôi.
Chân thành cám ơn các bạn đã quan tâm và theo dõi.
Warszawa ngày 23/10/2021
Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo