Đôi điều về việc luyện Công trong Vĩnh Xuân Nội Gia và mối quan hệ với Thiền

Trong những ngày vừa qua, tôi nhận được những trao đổi rất chân tình của mấy người thân quen, tôi rất cám ơn những trao đổi chân tình này. Nhân những điều trao đổi này, tôi xin phép được chia sẻ đôi điều liên quan tới những ý kiến này, đồng thời xin được chia sẻ thêm một sồ điều liên quan trong tập luyện Vĩnh Xuân Nội gia (VXNG).
Trong hai lần chiêu sinh lớp mới vừa qua của Võ đường theo mong muốn của một số người, song kết quả số người thực theo tập rất ít, thậm chí có người đến tập được một buổi thì xin nghỉ vì thấy “tập khó”, “không thấy hấp dẫn” và “tập không thấy vui”. Chính vì vậy mấy người thân quen mới khuyên tôi (đại ý): môn của ông rất khó tập, lại đòi hỏi mất rất nhiều thời gian theo, trong thực tế cuộc sống hiện nay không phải ai cũng thích, cũng theo được. Tốt nhất ông nên dạy Thiền, chắc chắn sẽ có nhiều người theo tập. Tôi cũng trả lời rất cụ thể: tôi không phải là Thiền sư, nên không thể dạy Thiền. Lĩnh vực Thiền rất cao, không phải có đôi chút hiểu biết về Thiền và ngồi tập Thiền được lâu là có thể trở thành Thiền sư. VXNG của tôi tuy có liên quan đến lĩnh vực Thiền rất nhiều khi tập lên cao, song mục đích chỉ là ngồi luyện thở (cho dù thời gian ngồi tĩnh để luyện các phương thở có thể trong nhiều tiếng, như ngồi Thiền) và chỉ luyện cảm nhận mà thôi. Tôi là một võ sư – gọi tiếng thuần Việt là thầy võ – nên tôi chỉ dạy võ mà thôi, cho dù môn VXNG của tôi là một môn Nội gia, có rất nhiều điều liên quan đến Thiền, đặc biệt là khi LUYỆN CÔNG.
Theo việc tu tập liên quan đến Thiền của tôi từ những năm đầu của thập kỷ 70, khi tôi bắt đầu tập YOGA THIỀN ĐỊNH – RAJA YOGA, tu tập Thiền phải trải quan ba bước: ĐIỀU THÂN (tập ngồi cho đúng phép, vững vàng và được lâu), ĐIỀU TỨC (với những người Luyện công phải điều khiển được hơi thở, “lấy ý khiển khí, lấy khí ra lực” - với những người đi tu theo Đạo Phât thì chỉ cần theo dõi hơi thở vào ra mà không tác động tới hơi thở), ĐIỀU TÂM (đây là phần dành cho những người tu theo Đạo Phật). Là người tập võ, chỉ quan tâm đến hai bước : ĐIỀU THÂN, ĐIỀU TỨC (để ra công lực). Theo hiểu biết của tôi: Thiền là một phương pháp tu quan trọng bậc nhất để tiến tới đạt thành chính quả trong Đạo Phật. Nói tới Đạo phật thì phải nói tới Thiền. Với căn duyên trải qua vô lượng kiếp trên con đường tu hành, cách đây trên 2.500 năm, sau 49 ngày NGỐI THIỀN DƯỚI GỐC CÂY BỒ ĐỀ, Tu sĩ Cồ Đàm đã đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, trở thành Như Lai tức Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
THIỀN, nếu hiểu một cách đơn giản đây là một phương pháp tập trung tinh thần, tư tưởng. Mục đích Thiền khác nhau sẽ cho ra những kết quả khác nhau. Tập trung đến mức tột đỉnh sẽ đạt được chính quả trong tu Đạo Phật, tập trung ở mức độ thấp, đơn giản có thể đạt được các công phu – công lực – trong võ thuật. Việc ngồi tập luyện thở trong võ thuật cũng có thể gọi là Thiền.
Như nhiều người biết: trong tập luyện quyền thuật có LUYỆN QUYỀN & LUYỆN CÔNG. Đây là hai lĩnh vực bản chất luyện tập khác nhau, trong đó LUYỆN CÔNG quan trọng nhất, đến mức các tiền nhân đã dạy “LUYỆN QUYỀN bất LUYỆN CÔNG, đáo lão nhất trường không” và đã bước vào LUYỆN CÔNG thì phải “BẾ QUAN LUYỆN CÔNG” (đóng cửa để luyện công). Với VXNG, khi bước vào LUYỆN CÔNG, thời gian tập luyện đòi hỏi rất nhiều, kéo dài nhiều năm, nhất thời gian ngồi luyện các phương pháp thở (như người ngồi tập Thiền) mỗi buổi tập thở phải ngồi hàng tiếng liền. Đặc biệt khi tập Linh giác – một phương pháp tập luyện trong LUYỆN CÔNG - đòi hỏi rất công phu như luyện THIỀN ĐỘNG và là một phương pháp tập luyện đòi hỏi công phu nhất trong LUYỆN CÔNG VXNG: đại đại công phu. Thời gian luyện Linh giác phải kéo dài vài năm, người tập mới có thể “NGỘ’ ra hết được các bản chất trong đó. Bên cạnh đó, trong quá trình tập luyện Linh giác, còn phải tập luyện kèm theo những phương pháp khác, mà những phương pháp này cũng phải tập hàng năm mới hoàn chỉnh được bản chất của phương pháp. Tất cả các học trò của tôi từ trước cho đến hôm nay, chưa có một ai có thể rút ngắn được quá trình (thời gian) tập luyện Linh giác. Sau khi đạt kết quả tốt về Linh giác, người tập mới bước sang luyện tập giai đoạn LUYỆN CÔNG cuối cùng, đó là luyện NỘI CÔNG. Trong môn VXNG của chúng tôi, đạt được xong NỘI CÔNG, mới chính thức trở thành người thầy VXNG (Võ sư VXNG).
Do quy môn, cho nên có nhiều điều tôi không thể diễn giải ra được, chỉ có thể chia sẻ được như vậy. Rất mong mọi người thông cảm.
Nhân sắp tới ngày PHẬT ĐẢN Rằm tháng Tư năm Nhâm Dần, tức ngày 15/05/2022, tôi thành tâm cầu mong Thế giới được sớm an lành mọi mặt; mọi người, mọi gia đình, được khỏe mạnh, an lành, thịnh vượng, thành công và hạnh phúc vẹn toàn.
Chân thành cám ơn và biết ơn sự quan tâm của tất cả mọi người.
Hà Nội ngày 04/05/2022
Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo