Những trao đổi liên quan đến mộc nhân
Hôm nay tôi rất vui vì lại được tiếp tục lắp thêm cây Mộc nhân nữa ở nhà riêng của học trò của tôi. Việc lắp Mộc nhân cho các học trò của tôi vẫn còn được tiếp tục vì còn mấy anh em trong Võ đường đang đặt sản xuất.
Trong mấy ngày qua, sau khi tôi chia sẻ việc lắp dựng Mộc nhân ở nhà riêng của học trò của tôi ở Phổ Yên – Thái Nguyên, có người đã hỏi tôi (đại ý): tại sao Mộc nhân của nhánh Vĩnh Xuân Nội gia lại khác với Mộc nhân của những võ đường Vĩnh Xuân khác? Tôi cũng đã giải thích là do tôi rất bận, không có thời gian để tìm hiểu các về công phu của các võ đường Vĩnh Xuân khác, cho nên tôi cũng không quan tâm sự khác biệt về hình dáng Mộc Nhân. Tuy nhiên chúng ta đều hiểu, bài tập (bài quyền đánh Mộc nhân) khác nhau, phương pháp tập luyện khác nhau, ắt sẽ khác nhau về hình dáng, kiểu Mộc nhân. Cách đây nhiều năm, tôi được học trò tặng bộ tranh bài tập Mộc nhân Hồng Kông mua ở bên Úc, tôi cũng đã hiểu điều này.
Sư phụ Trần Thúc Tiển của tôi khi dạy bài 108 Mộc nhân cho tôi đã dạy bằng Mộc nhân bảng gỗ gắn vào tường. Và sau đó tôi cũng làm một bảng gỗ theo mẫu bảng Mộc nhân gỗ ở nhà sư phụ để tập ở nhà. Năm 1990, tôi mới chính thúc làm được cây Mộc nhân theo sự chỉ dẫn của sư phụ tôi khi Người còn sống nói cho tôi về cấu tạo và cách làm Mộc nhân. Sư phụ tôi cũng đã làm cây Mộc nhân như vậy ở nhà sư phụ tôi để Sư tổ Nguyễn Tế Công dạy cho sư phụ tôi bài 108 Mộc nhân và các Kỹ thuật luyện với Mộc nhân. Trong thời gian sư phụ tôi phải đi xa, cây Mộc nhân này đã bị mất. Chính vì vậy, sau này sư phụ tôi phải làm Mộc nhân bảng gỗ gắn vào tường để dạy các trò
Ngày 28/09/2005, khi tôi gặp được anh Nguyễn Chí Thành, con trai của Sư tổ, tôi có được anh Thành cho xem bộ ảnh chụp Sư tổ Nguyễn Tế Công với các thế đánh trong bài 108 Mộc Nhân. Bộ ảnh do sư thúc tôi, cố võ sư Nguyễn Bá Khả xin Sư tổ cho chụp để lưu giữ và được Sư tổ nhất trí. Lúc này Sư tổ đã yếu, có những thế, Sư tổ phải dựa vào Mộc nhân để đứng cho chụp và cũng phải chụp mấy ngày mới hết được các thế đánh của bài 108 Mộc nhân. Chỉ ba tháng sau những buổi chụp ảnh, Sư tổ đã ra đi về với tổ tiên. Một bộ ảnh về Sư tổ vô cùng quý giá, vì đây là bộ ảnh duy nhất chụp Sư tổ với các thế trong bài 108 Mộc nhân. Hậu duệ chúng ta phải vô cùng cảm ơn và biết ơn cố võ sư Nguyễn Bá Khả đã thuyết phục được Sư tổ cho chụp để có được bộ ảnh vô giá này của Người.
Cây Mộc nhân trong ảnh được cố võ sư Nguyễn Bá Khả làm bộ tay giống của Mộc nhân Hồng Kông, không tiện thắt giữa như tay Mộc nhân Sư tổ đã chỉ dẫn sư phụ tôi làm, song không có chân như của Mộc nhân Hồng Kông. Toàn bộ những thế Sư tổ thể hiện đúng như các thế trong bài 108 Mộc nhân sư phụ tôi đã dạy cho tôi.
Tôi viết ra như vậy để các bạn hiểu rằng: Bài 108 Mộc nhân cũng như hình dáng, cấu tạo phần thân của cây Mộc nhân của Vĩnh Xuân Nội gia chúng tôi hoàn toàn do Sư tổ Nguyễn Tế Công truyền lại cho sư phụ tôi và sư phụ tôi truyền dạy lại cho tôi.
Việc Võ đường Vĩnh Xuân nào đó ở Việt Nam làm Mộc nhân kiểu khác, hoặc có bài quyền, bài luyện Mộc nhân khác, các bạn muốn biết có thể hỏi trực tiếp nơi đó.
Tôi xin phép chia sẻ một số bức ảnh Sư tổ Nguyễn Tế Công với những thế đánh Mộc nhân trong bộ ảnh sư thúc Nguyễn bá Khả đã chụp, cây Mộc nhân do sư phụ tôi làm, cây Mộc nhân tôi làm năm 1990 và một số cây Mộc nhân hiện nay của Võ đường của thầy trò chúng tôi. Với cây Mộc nhân hiện nay của Võ đường của thầy trò chúng tôi, tôi có cải tiến phần chân đế để thích hợp với việc đặt ở nhà tầng như hiện nay. Toàn bộ phân thân, các lỗ để cắm các tay và chân, kiểu dáng tay và chân, tôi vẫn làm đúng như sư phụ tôi đã chỉ dạy làm.
Xin chân thành chia sẻ tới mọi người một số trao đổi có liên quan đến Mộc nhân và xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của mọi người.
Hà Nội, ngày 05/08/2023
Võ sư Trưởng Võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội Gia Quyền
Nguyễn Ngọc Nội
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video
VÕ ĐƯỜNG
LIÊN KẾT