Chuyến đi về quê hương Thanh Hoá của anh Trịnh Trọng Thuỷ

Hôm nay, ngày 01/7/2024, nhận lời mời của người học trò của tôi ở Ba Lan về thăm quê hương ở Việt Nam, anh Trịnh Trọng Thủy, mấy thầy trò chúng tôi đã có chuyến đi về quê hương Thanh Hóa của anh Thủy.
Qua tìm hiểu, tôi được biết Thanh Hóa, vùng đất Địa linh Nhân kiệt, nơi sản sinh ra nhiều nhân tài của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam. Thanh Hóa, nơi Bà Triệu năm 248 đã khởi binh đánh quân Ngô tại núi Nưa, Triệu Sơn; Thanh Hoá nơi được mệnh danh là "đất vua" với 3 triều vua (Lê Hoàn, Hồ Quý Ly, Lê Lợi) và 2 đời chúa (Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn); Thanh Hóa nơi sinh ra các bậc hiền nhân như Khương Công Phụ, Ngô Chân Lưu, Lê Văn Hưu, Đào Duy Từ, Lê Quát, Nguyễn Mộng Tuân, Nguyễn Quán Nho... và những anh hùng đời nay như Tô Vĩnh Diện, Lê Mã Lương… Thanh Hóa, vùng đất địa linh nhân kiệt này được nhận xét là linh thiêng bậc nhất Việt Nam, ẩn chứa nhiều long mạch, hội tụ nhiều linh khí cho nên đã phát tích được nhiều vua, chúa cũng như các bậc hiền tài. Thanh Hóa còn có Thành Nhà Hồ, được công nhận là di sản văn hóa toàn nhân loại năm 2011, một công trình được xây dựng cách đây hơn 600 năm. Đặc biệt Thanh Hóa có núi Nưa là một trong ba huyệt đạo linh thiêng nhất Việt Nam, đây chính là nơi giao thoa giữa đất và trời. Ba huyệt đạo linh thiêng của Việt Nam đó là núi Đá Chông ở huyện Ba Vì, Hà Nội; núi Bà Đen ở xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh và núi Nưa ở xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa.
11h30, chúng tôi tới Thị trấn Triệu Sơn, Thanh Hóa.
Anh Thủy đã thuê sẵn khách sạn cho chúng tôi. Sau khi cất đồ và làm các việc cá nhân, chúng tôi đi ăn trưa.
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi đến lễ là Phủ Na. Phủ Na hay còn gọi là Na Sơn động phủ thuộc xã Xuân Du, huyện Như Thanh, được xây dựng năm 1909 theo kiến trúc thời Nguyễn, nằm ở chân dãy núi Nưa. Năm 1993, được công nhận là Di tích lịch sử và thắng cảnh cấp Quốc gia. Từ xa xưa, Phủ Na thờ Thần Tản Viên, mẹ Âu Cơ và Chúa Thượng ngàn. Qua thời gian, tín ngưỡng thờ Mẫu đã hòa nhập cùng với tín ngưỡng của người Mường và được phát triển trong hệ thống thờ tại Phủ Na. Cùng với đó ở Phủ Na còn có thờ Bà Triệu. Tại nơi đây, năm 248, Bà Triệu Thị Trinh đã dấy binh đánh quân xâm lược Đông Ngô.
Từ Phủ Na, chúng tôi đến quần thể khu di tích “Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên”, được quy hoạch với diện tích 100 ha.
Sau khi vào lễ các ban ở Đền Nưa, chúng tôi lên Đền Am Tiên. Đền Am Tiên nằm trên núi ngàn Nưa là ngọn núi cao nhất trong vùng với độ cao 538 m so với mực nước biển. Ngôi Đền Am Tiên là một ngôi đền vẫn giữ được nét cổ kính xưa và chứa đựng biết bao truyền thuyết huyền bí. Đền Am Tiên - là nơi thờ Thánh Mẫu và bên cạnh Đền có thờ Phật.
Sau khi lễ tại Đền Am Tiên, chúng tôi đi sâu vào và lên cao tới Huyệt đạo thiêng. Đây là điểm linh thiêng hội tụ giao hòa khí của đất và trời, tất cả linh khí của trời đất sẽ được hội tụ tại huyệt đạo thiêng này. Huyệt đạo thiêng là một khoảng đất rộng, bán kính khoảng 21m, được rào rất cẩn thận. Ở Huyệt đạo thiêng ngoài ban thờ chính giữa Huyệt đạo, ở 4 hướng đều có 4 ban thờ ứng với Ngũ hành: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Tương truyền mọi người đến đây đều đi quanh huyệt đạo để cầu sức khỏe và bình an, đối với nam thì đi 7 vòng, còn nữ thì đi 9 vòng. Lối đi này được gọi là đường Hành Thiền. Mấy thầy trò chúng tôi cũng đã Hành Thiền đúng số vòng như sự tương truyền.
Phía bên dưới Huyệt đạo có một giếng nước có nguồn nước trong xanh từ trong núi chảy ra, được mọi người gọi là “giếng tiên”. “Giếng tiên” có nước quanh năm không bao giờ vơi cạn. Khách tham quan lên đây đều mang theo can lấy nước về thờ cúng Tổ tiên hoặc dùng rửa mặt để được thoải mái và thanh tịnh tâm hồn. Bên cạnh giếng Tiên còn có lầu Cô, lầu Cậu. Du khách lên đây lấy nước, ai cũng cầu nguyện cho gia đình làm ăn phát đạt, mọi mong cầu đều được như mong muốn.
Có thể chúng tôi tới cũng muộn (khoảng hơn 16h), do đó chỉ có mấy thầy trò chúng tôi đến lễ. Chúng tôi được biết vào những dịp đầu năm mới, nơi đây có hàng vạn lượt khách đến tham quan chiêm bái.
Mấy thầy trò chúng tôi sau khi lấy xong nước giếng vào các can ở Giếng tiên cũng đã 18h. Chúng tôi quay trở về khách sạn nghỉ ngơi.
Xin được chân thành chia sẻ một số hình ảnh của quá trình đi lễ hôm nay ở vùng đất Thiêng Đền Phủ Na và quần thể khu di tích “Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên” ở Thanh Hóa.
Chân thành cảm ơn sự quan tâm của mọi người tới chuyến đi của thầy trò chúng tôi.

 

 

Triệu Sơn, Thanh Hóa ngày 01/7/2024
Võ sư Trưởng VĐ VNVXNGQ
Nguyễn Ngọc Nội
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo